Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Tha Hóa



 - Con đói quá Bu ơi? Thằng Tý chạy lon ton vào bếp kéo áo Bu nó.
 - Từ đã nào, sắn sắp chín rồi đây này.
 - Con chịu không nổi nữa rồi?
 Thằng Tý thò đôi tay dính đầy bụi đất vào trong cái nồi đang bốc khói nghi ngút. Cái hơi nóng như ôm lấy bàn tay bé xíu của nó. Nó thụt tay lại nhìn Bu khóc méo mó.
 - Mày hỗn, tao khụi cho ít cây bây giờ. Lại ra dọc cát với thằng Sửu ngoài đó chứ gì? Mau ra rửa tay ngay, tao đánh cho chứ mà khóc.
 Thằng Tý đành sụt sịt, tiu nghỉu đi ra cái giếng thành. Nó buồn rầu nhìn chị hai và anh ba nó. Nó đâu có biết anh chị cũng như nó, đang đói cồn cào trong bụng nhưng có hề nói ra. Có ai giám than vãng. Chỉ cần thấy Bu nó trợn một cái là cả hai đứa im thin thít không giám hé nửa lời. Con Mận thì đang lụi hụi lột mấy hột mít khô để tối còn có cái mà nấu để ăn. Còn thằng Tèo thì nằm chèo queo trên chiếc võng cột ở hai gốc tre cột nhà sát bên bếp lửa. Cái đầu nó nghẹo về một bên, nước miếng chảy ra bên khóe miệng, khô lại thành một dấu vệt dài trắng xóa. Những con ruồi xanh cứ vo vo xung quanh nó trông đến thật bẩn thỉu.
 Bu nó vọng ra:
 - Sao mày còn chưa chịu rửa mặt rửa mày, đứng đó làm gì nữa?
 Nó chạy vội lại giếng nước xách cái gàu dừa thả xuống. Nó nhìn xuống mặt nuớc, mặt nước động làm khuôn mặt nó méo mó đi. Từng gợn nước làm cho nó thẫn thờ. Gia đình quá nghèo khổ, vất vả chả nuôi nổi chúng nó. Đứa nào cũng còn ở cái tuổi ăn tuổi học. Chẳng giúp được gì cho gia đình. Cũng vì cái nghèo mà chúng nó cả ba anh em chả có đứa nào biết chữ. Chữ A, chữ B méo tròn ra sao nó cũng chưa hề biết đến. Những đứa trong cái xóm này cùng trang lứa, đều được đi học. Nó ao ước được một lần đến trường, một lần được nghe Cụ Đồ dạy cho cái hay cái đẹp của cuộc đời. Nhưng điều ấy mãi là thứ gọi là giấc mơ. Điều ấy có xảy ra thì cũng chỉ là mơ tưởng. Nó hiểu cuộc đời của nó sẽ bồng bềnh như những gợn nước ở vực sâu kia. Mãi mãi không thoát được cái vòng vây của định mệnh.
 Trong nhà bỗng phát lên tiếng cãi cọ, tiếng Bu nó và tiếng của một người đàn ông nào đó đang to nhỏ với nhau. Nó cũng chẳng buồn để ý, chắc lại mấy Gã đòi nợ đến kiếm chuyện. Cái sự ấy quá quen thuộc với nó. Tuần nào lũ nó cũng đến siết đồ trong nhà. Cả ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại lớp vỏ và những con người khổ cực, ngày đêm bon chen với cuộc sống. Nhưng nó lại thầm nghĩ: 
 - Hôm nay vẫn chưa đến ngày siết nợ cơ mà?
Đang suy nghĩ chưa hết thì đã nghe tiếng bét bét rồi tiếng đập bàn, đập ghế trong nhà vang ra. Thằng Tý ù té chạy vào nhà, thì một cảnh tượng làm nó hụt hẫng.
 Một người đàn ông lạ mặt đang tát lia lịa vào mặt Bu nó. Những cái tát như trời giáng cộng với vẻ mặt hung tợn của Gã đàn ông làm cho nó thấy sợ. Nó nép vào một góc tường. Về phần Bu nó thì cứ ôm mặt mà chịu đòn. Chị Mận chạy tới lôi Gã đàn ông ra, còn anh Tèo thì đỡ lấy Bu. Gã đàn ông vung tay làm cho cái Mận lăn chổng càng ra đất. Tiếng khóc ré vang lên thất thanh. Gã ta như con hổ dữ chực vồ tới xé xác Bu nó. Một con hổ lâu ngày bị bỏ đói.
 Chưa bao giờ thằng Tý đau đớn như lúc này. Nó chẳng biết phải làm gì, chỉ còn biết chạy lại với Bu  mà than khóc, lạy lục người đàn ông lạ.
 Gã nhìn thằng Tý rồi cười to:
 - À! Thì ra nó đây à?
 Mày nuôi nó đến chừng này ắt là mày có tiền. Mày có đưa tiền đây cho ông không thì bảo?
 - Tiền ở đâu mà đưa? Mày suốt ngày rượu chè, bê bết. Bà không đưa làm gì được Bà?
 - A! Chà chả, con này láo. Ông tát vỡ mồm mày ra.
 Rồi Gã cứ nhảy xổng vào đánh. Cả ba đứa than khóc om sòm, mặc cho tiếng la ré của Gã ta. Tiếng khóc không làm động lòng được con cọp đực đang hăng tiết. Cứ thế người đàn bà bỏ chạy, theo sau là Gã đàn ông vờn nhau quanh gốc rơm sau nhà. Gã đăm đăm với khúc cây trên tay chực vớ được là nện cho nó gãy xương. Một con người gầy guộc, tướng chạy chàng hảng của người đàn bà có ba dạ con bị rượt đuổi bởi gã đàn ông to khỏe, vật chết cả một con bò. Bi thương làm sao, khi cả ba đứa trẻ than khóc như nhịp điệu hòa tấu cho cuộc rượt đuổi kịch liệt. Một bản giao hưởng thính phòng đến chát tai, chọt dạ. Còn đau đớn nào hơn, khi phải chứng kiến cái nỗi đau đang diễn ra trước mắt.
  Rượt một thôi một hồi, Gã đàn ông lại khát rượu, con ma rượu đã đi vào sâu vào máu, Gã gào lên như một con quỷ khát máu. Gã chạy vào nhà đập vỡ đồ đạc. Chén bát bị vỡ tan tành. Gã đi ra bếp thấy nồi sắn đang bay hơi trên ông kiền, Gã vọt lên cả thành bếp quát:
 - Lại còn sắn nữa à! Cho chúng bây đói móp mồm.
 Gã hất cả nồi sắn vô tro rồi nhảy vào tro dậm dậm. Bụi tro bay tung tóe, sáp lên tay chân, mặt mũi làm cho khuôn mặt Gã hung tợn hẳn lên. Thằng Tèo chạy đến xô Gã, sẵn chân Gã đang điên máu làm một đạp. Thằng Tèo ngã lăn quay ra đất. Bu nó từ phía sau nhà thấy con mình bị đạp ngã. Bà chạy ra giữa sân nhảy đẩng lên xé áo, xé quần
 - Bớ làng nước ôi! Nó giết con tôi.
 - Vào đây mà xem nó giết con tôi.
 - Bớ làng nước ôi!
 - Mày có câm mồm lại không ông bảo?
 - Tao không câm, mày làm gì được tao?
 Tiếng la làm hàng xóm xung quanh kéo đến. Họ nhìn thấy nhưng cũng chỉ đứng ngoài khuyên ngăn, không ai giám can thiệp. Gã đàn ông tỏ vẻ ái ngại trước hàng chục con mắt của bàn dân thiên hạ. Gã chạy lại ba đứa nhỏ, lôi thằng Tý sát lại rồi bế thốc nó lên tay.
 - Nó sẽ đi theo tao.
 - Không! Mày buông con tao ra
 - Mày câm mồm. Con tao, tao đem đi.
 - Nó không phải con mày, lũ ác ôn.
 Thằng Tý nghe đến đây chợt khựng người lại, nó nhìn chăm chăm vào Gã đàn ông. Nó hình như đã hiểu ra được phần nào.
 - Ông ta là Bố nó ư?
 Không thể nào, Bố nó không phải là người như vậy. Bố nó phải là người biết yêu thương, đùm bọc cho nó, anh chị nó và cả mẹ nó. Nó không hề chấp nhận một người Bố như Gã ta. Nó vùng vẫy, đập tay đập chân. Rồi cắn Gã đàn ông một cái. Gã đau quá buông nó xuống đất. Nó chạy đến với Bu. Nhìn Gã với cặp mắt căm thù.
 - Được lắm. Chúng mày hãy đợi đấy!
 Gã chỉ tay vào cả bốn con người đau khổ, rồi vụt chạy ra khỏi nhà. Hàng xóm xung quanh cũng lãng dần, về hết. Chỉ còn lại bốn mẹ con ngồi quây quầng bên nhau, rưng rưng nước mắt. Mọi chuyện đến quá bất ngờ, chúng nó còn chưa hoàn hồn. Bà mẹ đưa cánh tay xoa đầu thằng Tý rồi ôm nó vào lòng. Cái Mận, cái Tèo thấy thế cũng choàng tay ôm Bu chúng nó. Ở ngoài kia tiếng chim vịt kêu, nghe sao buồn thảm.
  “Nếu nhìn xa thì cuộc đời như một hài kịch, còn nhìn gần thì cuộc đời như một bi kịch”.
 Cái hạnh phúc gia đình nhìn từ xa mấy ai hiểu được, lặng lẽ, đầm ấm, không ai biết hết được. Nhưng khi nhìn gần thì nó hoàn toàn lại không như thế. Chính cái hài kịch đã đẩy con người đến với cái bi kịch trong cuộc sống. Cái nghèo đói, cái cùng cực đã đẩy con người đến với sự tha hóa. Con người cứ như là một con tạo xoay vòng, cứ có lực tác động là nó lại xoay, xoay quanh xoáy cả cát bụi.

                                                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét