Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Hương Lúa


                              
   Cái nắng trái mùa tháng 8 như thiêu như đốt. Quảng Nam mùa này đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Lúa trên khắp cánh đồng đã bắt đầu ngã sang màu vàng rực. Những con chim lúa cũng đã kéo về làm tổ, kêu ríu rít. Từng hạt nắng buông xuống ôm cả một cánh đồng, những tia nắng xỏ xiên qua từng cây lúa đỗ bóng dài nhấp nhô...
   Từ sáng sớm, khi tôi còn đang ngái ngủ thì đã nghe tiếng cô Năm, chú Sáu ở ngoài đường hỏi chuyện to nhỏ với nhau.
 -Này thì lúa nhà anh vụ này thế nào?
 -Rồi ruộng chị có bị sâu, chuột gì phá không?
 Họ cầm những lưỡi liềm đi trong ánh sáng hừng đông mường tượng như những người du mục tìm đến với chiến lợi phẩm mới. Ở quê tôi cứ đến mùa gặt lại đông vui như trẩy hội. Tiếng máy nổ, máy cắt nghe phành phạch trộn thành một âm thanh đặc trưng của một miền quê. Cái nhựa sống ấy cứ diễn ra liên tục ở mỗi thời vụ như những tập phim được chiếu đi chiếu lại không bao giờ biến ngán. Thường thì ở quê tôi người ta chỉ gặt trả công. Nhà này gặt thì được nhà kia đến giúp. Sau khi gặt xong đến lượt nhà kia thu hoạch thì nhà này sang giúp lại. Cứ thế nhà này đến nhà kia thay nhau hỗ trợ cho đến hết mùa vụ.
   Tôi vẫn còn nhớ, những năm trước khi chưa có máy gặt đập liên hoàn. Mọi người phải dùng liềm cắt bằng tay, khoảng năm đến sáu người trên một thửa ruộng. Cứ thế cắt thành từng cụm nhỏ để cho những người khác ôm lại thành một đống lớn. Mẹ tôi vẫn thường hay nói đùa:
 "Cắt mãi không thấy đầu bờ".
 Thế đấy! Nhưng rồi cả sào này sang mẫu khác cũng đâu vào đấy bởi những cánh tay như những lưỡi hái của chiếc máy tăng đơ không bao giờ biết mỏi mệt, mà năng lượng của nó là những giọt mồ hôi trĩu nặng...
   Lúa được chấc lại thành hai đống bằng nhau. Rồi người ta đặt cái máy tuốt lúa vào giữa hai cụm lúa. Chiếc máy này phải đạp bằng chân, ở quê tôi hay gọi là máy tuốt đạp. Hai người đàn ông thật mạnh khỏe đứng đạp và được hai người phụ nữ hai bên đưa từng bó lúa vừa tay để cho vào máy mà tuốt. Lúa được tuốt xong còn một công đoạn đặc biệt là phải dùng chiếc rổ mà dân Quảng tôi gọi là "Rổ Xổ" để sàng những bông lúa "dé" cho sạch hạt. Lúa làm sạch xong được cho vào bao chấc thành từng hàng trên bờ để dùng xe bò kéo về.
   Có những năm, nhà tôi còn tận dụng ánh trăng lên gặt vào ban đêm. Hình ảnh những con người trên cánh đồng kể cả những chú bù nhìn rơm và tiếng cắt lúa nhộn nhịp hẳn lên. Trời ban đêm gió mát trăng thanh, đâu đó nghe tiếng hò, vè và những khúc ca đối đáp. Lũ trẻ con trong làng lăn xăn trên cánh đồng ôm từng bó lúa nhỏ chân chạy thoăn thoắt. Từ nhà này đến nhà khác, hễ họ gặt xong là tranh thủ giúp nhau. Tiếng chọc ghẹo của các cô chú độc thân làm cho những chị em ra vẻ ngượng ngùng.

                                                   “Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
                                           Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

 Thế là lũ trẻ cũng ùa theo reo hò khắp cả thôn xóm. Làm cho cái không khí về đêm thêm nhộn nhịp, cái mệt nhọc cũng bị trút bỏ hẵn đi...
   Tôi vẫn không quên, mỗi khi đến nhà tôi gặt là mẹ lại sai tôi chạy đi mua mì và thịt về cho mọi người ăn nữa buổi. Mẹ nấu một nồi nước lèo thiệt to và một thúng mì. Mẹ bỏ vào đôi gióng rồi dùng cái đòn gánh quẫy kĩu kịt trên vai. Phần tôi thì bưng cái mũng đựng chén, bát, đũa..., chạy lon ton theo sau gót chân mẹ. Những tô mì Quảng đặc sản quê tôi còn đang nóng hổi. Họ cùng nhau nghỉ ngơi, trải tấm bạt nhỏ lên đám rạ đã tuốt ngồi xếp thành một vòng tròn. Họ vừa ăn vừa kể những câu chuyện tiếu lâm cười đến no bụng...
   Những đám lúa gặt xong thì được các hộ thay phiên nhau dũ ra thành từng hàng mỏng cho mau khô. Có nhà thì bó lại gánh về chấc thành đống rơm để cho lợn cho bò. Có nhà lại đốt để làm phân, giết sâu bọ, đuổi lũ chuột đồng. Cái giống chuột đồng là thứ mà người dân làm nông rất ghét. Răng nó như những lưỡi liềm, cắn ngang mọi thứ. Có năm vụ mùa thua nặng cũng vì chúng.
   Cả cánh đồng bây giờ chỉ còn là những gốc rạ trơ trơ. Cứ chiều chiều lũ trẻ con trong làng lại bẻ những nhành keo làm khung thành đá bóng. Bụi tro làm cho chúng nó đen sì như những tuyển thủ Châu Phi. Xa xa chú Hai và một số nhà cho lũ vịt ra săn mồi, rĩa những bông lúa còn rơi vãi trên mặt đất...
   Hình ảnh khói lam chiều, tiếng ếch nhái trên cánh đồng quê, những con người nông dân quanh năm tất bật trên ruộng lúa như một kỷ niệm đẹp trong tôi.


                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét