Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Tiết Trung Nguyên Rằm Tháng Bảy

Trung Quốc có bốn ngày cúng lễ lớn: Tiết Thanh Minh, ngày mồng 8 tháng Chạp, ngày cúng Táo quân và tiết Trung nguyên rằm tháng Bảy.
Tiết Trung nguyên còn gọi là Tiết ma, lễ Vu Lan.
Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc Tiết Trung nguyên. Kinh Phật viết rằng đệ tử của Thích Ca Mâu Ni là Mục Liên vào ngày rằm tháng Bảy đã mang các thứ trái cây cúng tăng để cứu mẹ, nhân đó Phật nói đến lễ Vu Lan báo hiếu mẹ.
Một ý kiến khác của Đạo giáo, cho rằng Tiết Trung nguyên rằm tháng Bảy là ngày Trung Nguyên địa quan xá tội, nên các đạo quán tổ chức cúng lễ xin tha tội. Dân gian thì lấy rằm tháng Bảy làm ngày cúng lễ vong linh tổ liên và các vong hồn, nên có tục thả đèn xuống sông.
Tiết Trung nguyên rằm tháng Bảy bắt đầu lưu hành trong dân gian từ thời Nam triều, thịnh hành vào đời Đường, Tống. Đời Thanh, Tiết Trung nguyên rằm tháng Bảy được tổ chức linh đình hơn Tiết Thanh Minh. Các chùa tổ chức lễ Vu Lan, thôn xóm dựng đài cao, diễn tích "Mục Liên cứu mẹ", làm đạo tràng thủy lục, phóng lửa cứu cô hồn, thả đèn xuống sông và các hoạt động giải trí.
Ở vùng hồ Hồng Trạch, Giang Tô, Tiết Trung nguyên còn gọi là Tiết kính cô. Tương truyền hồ Hồng Trạch có một con thủy quái chuyên bò lên bờ ăn thịt trẻ con các xóm làng. Có một cụ già cô đơn tập trung dân làng bàn mưu, để cụ già giả trang thành trẻ con, mang thuốc độc theo người, dụ cho thủy quái ăn thịt cụ, nó trúng độc mà chết. Người ta tưởng nhớ cụ già xả thân cứu người đó, nên vào Tiết Trung nguyên, ngoài việc nhà nhà đốt tiền giấy cho cô hồn, còn tranh nhau chiêu đãi các cụ già neo đơn. Tục lệ này vẫn còn đến nay.