Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Góc Khuất


   Khi cái nắng gay gắt của ánh mặt trời như ngàn tia lửa lan tỏa khắp trần thế bị kéo lùi dần về dãy núi phía Tây thì cái không gian buổi chiều tà nó đã hiện hữu dưới nhân gian. Nhìn xa xa ở cuối chân trời từng đám mây đen đã ứng dần chạy khắp nền trời lấn át cả bầu trời xanh. Hơi lạnh từ biển thổi vào như thổi bay đi cái mệt mỏi, cực nhọc hằng ngày của người dân Chợ Nam. Tiếng chim ríu rít đua nhau sa về tổ ấm, những con chim sẻ nháo nhác quanh cái kẻ ngói nhà nội tôi. Từng đàn cò trắng vỗ cánh thành hình chữ M, chữ V hướng cả về núi. Những con sa đà kiếm mồi thì cũng tìm những bụi tre rậm trú ẩn. Chỉ có những con cò lửa có thân hình đỏ chói vì cái nắng chiều bắt đầu lò dò đi tìm thức ăn trong cái thời gian ngắn ngủi. Những đàn gà con cũng ùa nhau kêu chiếc..chiếc..., chạy về nấp dưới bụng mẹ. Nhìn sang bên nhà ông Năm và ông Sáu cũng bắt đầu cái buổi chiều tà của mình bằng chai rượu gạo mua ở nhà cụ Thà. Ông Năm nhiếp một ly rượu rồi vỗ vào đùi nghe phành phạch, khà một hơi, chịp chịp cái miệng tỏ vẻ rất ngon lành. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao các ông ấy lại thèm cái món ấy đến như vậy. Đang ngồi trầm tư suy nghĩ thì bà nội cất tiếng gọi:
 - Thằng Nhỏ đâu rồi? Sao còn không xuống chợ mà đón Bu mày về mà còn thẫn thờ ngồi ì ra đấy?
Tôi giật mình nói vọng vào nhà
 - Con đi ngay Bà ạ!
   Thế rồi tôi vào nhà xỏ đôi dép cụt và đội cái mũ tai bèo chuẩn bị đi. Nói là dép cụt cũng có cái nguyên do của nó. Dân nhà nông ấy mà, lội bờ, lội bụi cả ngày chăn bò, cắt cỏ thế là nó vấp cỏ hay ụ đất mà gãy cả cái đầu chiếc dép. Thế là chúng tôi đặt đó là những đôi dép cụt. Tôi đi ra hàng rào tre trước ngõ dắt chiếc xe đạp cũ đã tróc mất cả màu sơn, cả hai dây phanh đều đứt cả. Cái bàn đạp đã bể tự bao giờ. Bố tôi đã phải lấy hai miếng gỗ mà độ lại. Những chiếc tăm xe đã bị hoăn gỉ, hai chiếc lốp thì trọc bon như những cái đầu mõ gõ của các vị sư thầy. Nói là xe đạp chứ thật tình mà nói bây giờ chiếc xe này nó như một kẻ khuyết tật già nua đã đến tuổi nghỉ hưu.
 Tôi nhìn qua bên nhà và lên tiếng
 - Bẩm ông Năm và ông Sáu con đi ạ!
 - Ừ! Mày đi đón cái Bu mày đấy à?
 Đi sớm về sớm cho kịp cơm tối nghe con? Ông Sáu nói to.
 - Dạ thưa con đi ạ!
 Thế là tôi quay đầu chiếc xe ra và đạp đi. Hôm nay chiếc xe như bị già yếu hơn mọi hôm, từng vòng đạp của nó nặng hơn, tiếng bi vỡ nghe két..két..., cái cổ xe thì nó như muốn rớt cả ra ngoài... Nhưng tôi cũng chẳng thèm để ý đến nó nữa, cứ thế tôi chầm chậm đi lên chợ Nam thả hồn mình vào trong từng luồng gió mát, ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường tâm hồn như được trãi rộng ra với tự nhiên. Con đường đầy những ổ gà, lâu lâu có những đoạn phải bì bõm xoắn ống quần vượt qua bùn lầy. Những cơn mưa giông làm cho con đường trở nên lầy lội, cứ thế tôi đạp rồi dắt bộ mãi cũng thấy khu chợ Nam ẩn hiện xa xa. Từng đoàn người lao động trên rừng về, quần quật cuốc xén từng lát đất khô cằn cho những hạt mầm xanh chớm mọc. Từ chợ Nam đến rừng Mân không xa, cả cánh rừng như vòng tay ôm cả khu chợ Nam vào lòng. Chả là chợ Nam được hình thành dưới chân đồi là vì những người lái buôn ở làng bên vượt rừng để cung cấp các nguồn nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa đủ loại...một cách nhanh chóng. Đi lâu ngày thành quen họ tạo nên thành một lối mòn xẻ giữa rừng núi. Bu tôi cũng vậy. Cứ sáng sớm Bu phải dậy sớm và đánh thức tôi dậy để mà lên chợ Nam. Đến đây Bu cùng một số người khác phải khuân vác các thứ từ chợ Nam sang núi, qua làng bên để đổi các thứ cần dùng. Quầng quật suốt ngày nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Bố tôi thì đi làm xa, quanh năm suốt tháng, mỗi năm chỉ về nhà một lần nhưng mà khoảng thời gian vài năm lại đây không thấy bố về nữa. Có người cho là bố tôi đã mất do phá núi cho lũ quan lại trồng cây thuốc phiện bị đá đè mà chết. Từ cái ngày nghe tin ấy Bu tôi như chết đi một phần tinh thần, mọi thứ trong gia đình như quả núi đè nặng trên đôi vai của Bu. Ngày tháng trôi qua, rồi nỗi đau cũng vơi đi, Bu và tôi đều mong đợi một chút hy vọng dù biết là viễn vông nhưng vẫn tin rằng một ngày không xa bố tôi sẽ trở về.
  Chợ Nam hôm nay đông vui quá, từng đoàn người ở các làng, xã kéo về tụ họp mua bán. Nào các dãy hàng xén cho đến các dãy vật dụng thường ngày. Người dân ở đây buôn bán và tụ họp phải qua tai mắt của lũ cường hào họ Đường. Tên này được giao cho cái chức cao là chính chủ Chợ, cai quản cả khu chợ Nam. Dưới tay họ Đường này có hàng chục nô lệ tay chân cho gã. Vì miếng cơm manh áo mà họ phải chịu bao nỗi khổ cực. Gã chia chợ Nam thành riêng hai khu nhỏ. Khu thứ nhất dành cho những người chức cao, vọng trọng, giàu có, mua bán trao đổi qua lại những món hàng hóa sang trọng đắt tiền chỉ dành riêng cho những người giàu. Khu thứ hai là nơi Gã dành cho lũ dân đen, những người khó khăn, nghèo khổ như chúng tôi. Đến hai phần ba khu chợ là dành cho những người sang trọng, quý phái. Chỉ còn một phần là giành cho những người thấp hèn, dân đen. Khổ một nỗi Gã họ Đường kia lại đánh thuế đến cả là mất nhân tính, phần người khổ như chúng tôi Gã đánh thuế gấp đôi. Dân tình than khóc, nghèo khổ nhưng Gã cũng chẳng thèm đếm xỉa gì tới. Chỉ suốt ngày cho lũ đàn em đi thu thuế từng hàng một, người nào không có tiền thì lũ nó đánh đập dã mang không thương xót. Cái cảnh tượng ấy ngày nào cũng diễn ra thành đến cả quen con mắt.
 Tôi ghé vào mảnh đất nổng cao ở phía ngoài khu chợ đợi Bu tôi. Đưa đôi mắt xa xa nhìn lũ trẻ con trên đám đất gò đang chạy nhảy thả những con diều bằng giấy học tung bay dưới nền trời xanh thẳm. Tâm hồn tuổi thơ của tôi trỗi dậy, tôi muốn chạy ra nô đùa cùng thả những con diều như đàn cò trắng. Thế nhưng tôi vẫn hiểu điều đó là không được và sẽ không bao giờ xảy ra. Lũ trẻ con ấy là con của các tên quan lại giàu có, chúng chẳng bao giờ để ý đến những đứa trẻ xung quanh nghèo hèn hơn chúng nó. Cái bức tường tách biệt ấy nó còn chắn lại đến cả những đứa trẻ thơ. Tiếng nô đùa, reo vang ồn đến cả một góc chợ. Thế rồi tôi bỗng nhiên giật mình một cái khi có một người phía sau tôi đang khẽ vỗ vai. Tôi quay lại, thì ra là một cụ già, cụ trạc tuổi bà tôi, cái lưng còng của bà khiến tôi thấy mà thương, tay chân bà lại khô nẻ, ống quần của bà thì xoắn ống cao ống thấp, đầy những miếng vá. Khuôn mặt móm mém nhai miếng giầu đỏ tươi. Bà nhìn tôi tay cầm bó rau diếp:
 - Mua giúp già bó rau diếp?
 Lời nói xen lẫn một giọng khàn khàn với khuôn mặt nhăn nheo thấm đượm một nỗi buồn đang hiện hữu.
 - Cháu không có đem tiền bà ạ! Tôi quơ quơ cánh tay ra hiệu.
 Nói cho ra oai đến thế chứ như tôi lấy đâu ra tiền mà đem. Mỗi sáng chở Bu ra chợ, Bu cho tôi một xu đủ mua một ổ bánh mì không, nhai quoa loa để lót cái dạ dày buổi sáng. Những lúc khuân vác được nhiều hàng thì còn được ổ bánh mì mà nhai. Những khi ít hàng thì tôi cũng mang cái bụng đói về nhà mà nhai củ sắn lùi bà nướng trong bếp. Rõ khổ đến thế nhưng vẫn qua ngày.
  Bà đặt bó rau diếp lại vào rổ rồi ngồi chồm hổm dưới đất, đợi ai ngang qua mua giúp bà một bó. Tôi cảm thấy buồn trong lòng. Già đến tuổi vậy nhưng bà vẫn còn lặn lội đi bán kiếm từng đồng xu lẻ để nuôi sống bản thân. Tôi bấm lòng không cho xúc cảm dâng lên đôi mắt đã bắt đầu rơm rớm. Sao ông trời không nhìn xuống nhân gian cho những con người chúng tôi. Trên đời sao lại có những người giàu đến nứt vách bù lại có những người nghèo đến xơ xác. Sự ngăn cách ấy quá lớn như là góc khuất che đậy lại cái thực tại đau khổ, nghèo hèn ấy, bao vây lại để rồi không có lối thoát. Trời sinh voi, trời phải sinh cỏ nhưng những đám cỏ tươi xanh ấy ở đâu duy chỉ còn lại những gốc cây khô cằn. Chúng dân nghèo như chúng tôi vẫn tin không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Cái điều vẫn đang ám ảnh trong từng suy nghĩ của mỗi người chúng tôi.
  Tôi lại gần bà cụ và bắt đầu trò chuyện trong khi bà đang cầm túi tiền xu, dăm ba đồng ngồi đếm.
 - Sao bà không đem vào trong chợ mà bán? Mà lại ngồi ngoài này?
 Bà vẫm chăm chú đếm tiền với đôi mắt lem hem. Bà lên tiếng run run, khuôn mặt bắt đầu xìu xuống.
 - Không được đâu cháu. Bà cụ xen lẫn cái lắc đầu.
 Cái lắc đầu và câu nói nửa chừng của bà cụ làm tôi thêm tò mò, khó hiểu.
 Tôi gặn hỏi thêm:
 - Thế sao lại không được hả bà?
 Lúc này tôi thấy vẻ mặt của bà có vẻ giận dữ
 - Tổ cha chúng nó. Rõ đến là tham, cái thằng họ Đường nó đánh thuế má gì mà cao ngất ngưỡng. Tao không có tiền đóng, nó xô nó đuổi. Tao già yếu phải bò ra đây.
 Sự giận dữ và la mắng của bà làm cho con mắt nhiều người phải nhìn vào
 - Đánh bao nhiêu mà nặng hở bà? Tôi ngồi xếp bằng lót đôi dép cụt xuống đường rồi nhìn bà cụ.
 Bà lại thở dài rồi nói nhưng lần này không còn to tiếng nữa.
 - Mười đồng. Phải đúng mười đồng cháu à!
  Cháu thử nghĩ xem, già bán chừng này rau có được đến là năm đồng không. Mà trong khi đó cái lũ ác ôn, vô nhân tính ấy đòi già đến phải mười đồng. Người ta sức dài vai rộng đến thế kia mà còn chưa làm đủ, như già thì lấy cái khoảng ấy đâu ra. Cái lũ ấy không giám đánh già nhưng già thấy khổ thân. Nghèo cũng là cái tội đấy cháu à. Rồi bà chỉ ngón tay qua đường chỉ tôi. Một gã đàn ông to con lớn xác đang hất tung từng gánh hàng của một người đàn bà, còn vung tay xô đẩy đánh đập người đàn bà hết sức dã man.
 Tôi nghe văng vẳng tiếng kêu la.
 - Mày có biến khỏi đây không ông bảo?
 - Tao không đi, mày có giỏi thì giết tao đi.
 - Con này láo. Mày muốn chết, ông cho mày chết.
 Thế là người đàn ông nhảy xô vào người đàn bà tát lia lịa. Người đàn bà không đánh trả mà nằm giữa chợ giãy đành đạch như con cá trên thớt sắp bị chặt cổ, lóc da.
 - Bớ làng nước ôi! Nó đánh tôi
 - Bớ làng nước ôi! Mày giết bà đi.
 - Bớ làng nước ôi!... Bớ làng nước ôi!
 Mặc cho tiếng kêu la, người đàn ông vẫn đánh đập. Người dân phải ùa vào can ngăn, và lôi người đàn bà ấy ra khỏi chợ. Chứ không, cứ như vậy người đàn bà ấy đến chết mất. Cảnh tượng hỗn độn diễn ra trong chốc lát lại càng náo nhiệt thêm khi Gã họ Đường ra mặt. Như nghe ngóng được tình hình, Gã trên xe bước xuống lên giọng quát mắng:
 - Cái lũ chó tha này. Ông đã bảo là chúng mày buôn bán là phải nộp thuế cho ông. Ông đánh thuế chúng mày như thế đã là quá nhẹ rồi. Chúng mày quậy là quậy thế nào?
 Cả chợ im thin thít không ai giám lên tiếng. Vì trong họ đang có sự giằng xé mãnh liệt, họ muốn trỗi dậy chống lại nhưng họ lại lo cho cuộc sống của họ, vì mỗi người họ đều là nô lệ là công nhân làm thuê, vác mướng cho Gã. Bát cơm trắng vơi bớt khoai sắn độn lẫn lộn của họ có được cũng là nhờ chỗ làm của Gã. Đối với họ chịu nhục đã trở thành thói quen, sự quen nhờn. Để có được miếng cơm manh áo thì họ sẵn sàng đánh đổi tất cả từ mọi sự xung quanh. Chỉ còn lại tiếng than khóc của người đàn bà bị đánh đập. Như tiếng khóc của đứa trẻ thất thanh trong đêm vắng.
 - Ông thì ông chẳng làm khó gì chúng mày. Chỉ cần nộp thuế đủ cho ông thì tùy chúng mày buôn chúng mày bán. Còn thiếu ông một xu thì chúng mày nhìn con đàn bà kia mà làm gương.
 Rồi Gã lại bước lên chiếc xe Ríp và chạy đi. Mặc cho cả chợ đang trố mắt nhìn theo chiếc xe đang khuất dần và khói bụi mù mịt bay. Đám đông rã dần, ai lại vào việc nấy. Gã đàn ông thu thuế vẫn cứ cầm khúc cây và dạo quanh khu chợ thu tiền.
 Bà cụ nhét vội gói tiền vào lưng quần rồi bưng rổ rau đứng lên. Tôi đỡ bà đứng dậy, bà phủi phủi cái đít quần dính đầy cát và quay sang tôi.
 - Cháu ngồi đấy. Bà đi đây, phải bán cho nó hết cái rổ này thì bà mới có cái ăn tối nay. Không thì nhe răng ra đói bỏ mẹ. Bà cười nhoẻn miệng rồi bước đi rao quanh khắp cả đường.
 - Tôi chỉ kịp vâng vâng, dạ dạ.
 Tôi lại ngồi xuống đất rồi nhìn vào chợ đợi Bu tôi. Cảnh tượng hôm nay để lại trong tâm trí tôi nhiều suy nghĩ. Cũng chỉ vì đồng tiền mà con người lại bị đánh đập, giẫm đạp lẫn nhau. Chửi mắng những con người đáng tuổi cha mẹ mình. Lương tâm, nhân cách của họ còn đâu. Hay như lời bà cụ nói chúng nó bị chó tha đi mất rồi. "Nghèo" và "Giàu" là hai chữ viết ra giấy rất nhanh và dễ dàng nhưng trong cuộc sống để viết nên điều đó thì thật là khó khăn. Giữa hai chữ còn cách nhau chữ "và" huống chi là trong xã hội bị ngăn bởi một bức tường khá cao và dày.
 Đến bao giờ thì cái sự kỳ thị ấy mới mất đi, sự tách biệt ấy mới thu dần khoảng cách. Thôi thì cũng đành chờ đợi vào mệnh kiếp và số trời. Trời che ai nấy mát, thế thôi.
 - Mày làm gì mà thẩn thờ ra thế hở con.
 Tôi ngẩng mặt lên, thì ra là Bu.
 - Bu đã về đấy à!
 - Ừ! Mày lại dắt xe, rồi về mau mau kẻo bà mày trông.
 Thế là hai Bu con chúng tôi dắt xe ra về, tiếng cót két lại cất lên, bỏ lại sau lưng một cảnh tượng buồn thảm.


                                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét