Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Tha Hóa



 - Con đói quá Bu ơi? Thằng Tý chạy lon ton vào bếp kéo áo Bu nó.
 - Từ đã nào, sắn sắp chín rồi đây này.
 - Con chịu không nổi nữa rồi?
 Thằng Tý thò đôi tay dính đầy bụi đất vào trong cái nồi đang bốc khói nghi ngút. Cái hơi nóng như ôm lấy bàn tay bé xíu của nó. Nó thụt tay lại nhìn Bu khóc méo mó.
 - Mày hỗn, tao khụi cho ít cây bây giờ. Lại ra dọc cát với thằng Sửu ngoài đó chứ gì? Mau ra rửa tay ngay, tao đánh cho chứ mà khóc.
 Thằng Tý đành sụt sịt, tiu nghỉu đi ra cái giếng thành. Nó buồn rầu nhìn chị hai và anh ba nó. Nó đâu có biết anh chị cũng như nó, đang đói cồn cào trong bụng nhưng có hề nói ra. Có ai giám than vãng. Chỉ cần thấy Bu nó trợn một cái là cả hai đứa im thin thít không giám hé nửa lời. Con Mận thì đang lụi hụi lột mấy hột mít khô để tối còn có cái mà nấu để ăn. Còn thằng Tèo thì nằm chèo queo trên chiếc võng cột ở hai gốc tre cột nhà sát bên bếp lửa. Cái đầu nó nghẹo về một bên, nước miếng chảy ra bên khóe miệng, khô lại thành một dấu vệt dài trắng xóa. Những con ruồi xanh cứ vo vo xung quanh nó trông đến thật bẩn thỉu.
 Bu nó vọng ra:
 - Sao mày còn chưa chịu rửa mặt rửa mày, đứng đó làm gì nữa?
 Nó chạy vội lại giếng nước xách cái gàu dừa thả xuống. Nó nhìn xuống mặt nuớc, mặt nước động làm khuôn mặt nó méo mó đi. Từng gợn nước làm cho nó thẫn thờ. Gia đình quá nghèo khổ, vất vả chả nuôi nổi chúng nó. Đứa nào cũng còn ở cái tuổi ăn tuổi học. Chẳng giúp được gì cho gia đình. Cũng vì cái nghèo mà chúng nó cả ba anh em chả có đứa nào biết chữ. Chữ A, chữ B méo tròn ra sao nó cũng chưa hề biết đến. Những đứa trong cái xóm này cùng trang lứa, đều được đi học. Nó ao ước được một lần đến trường, một lần được nghe Cụ Đồ dạy cho cái hay cái đẹp của cuộc đời. Nhưng điều ấy mãi là thứ gọi là giấc mơ. Điều ấy có xảy ra thì cũng chỉ là mơ tưởng. Nó hiểu cuộc đời của nó sẽ bồng bềnh như những gợn nước ở vực sâu kia. Mãi mãi không thoát được cái vòng vây của định mệnh.
 Trong nhà bỗng phát lên tiếng cãi cọ, tiếng Bu nó và tiếng của một người đàn ông nào đó đang to nhỏ với nhau. Nó cũng chẳng buồn để ý, chắc lại mấy Gã đòi nợ đến kiếm chuyện. Cái sự ấy quá quen thuộc với nó. Tuần nào lũ nó cũng đến siết đồ trong nhà. Cả ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại lớp vỏ và những con người khổ cực, ngày đêm bon chen với cuộc sống. Nhưng nó lại thầm nghĩ: 
 - Hôm nay vẫn chưa đến ngày siết nợ cơ mà?
Đang suy nghĩ chưa hết thì đã nghe tiếng bét bét rồi tiếng đập bàn, đập ghế trong nhà vang ra. Thằng Tý ù té chạy vào nhà, thì một cảnh tượng làm nó hụt hẫng.
 Một người đàn ông lạ mặt đang tát lia lịa vào mặt Bu nó. Những cái tát như trời giáng cộng với vẻ mặt hung tợn của Gã đàn ông làm cho nó thấy sợ. Nó nép vào một góc tường. Về phần Bu nó thì cứ ôm mặt mà chịu đòn. Chị Mận chạy tới lôi Gã đàn ông ra, còn anh Tèo thì đỡ lấy Bu. Gã đàn ông vung tay làm cho cái Mận lăn chổng càng ra đất. Tiếng khóc ré vang lên thất thanh. Gã ta như con hổ dữ chực vồ tới xé xác Bu nó. Một con hổ lâu ngày bị bỏ đói.
 Chưa bao giờ thằng Tý đau đớn như lúc này. Nó chẳng biết phải làm gì, chỉ còn biết chạy lại với Bu  mà than khóc, lạy lục người đàn ông lạ.
 Gã nhìn thằng Tý rồi cười to:
 - À! Thì ra nó đây à?
 Mày nuôi nó đến chừng này ắt là mày có tiền. Mày có đưa tiền đây cho ông không thì bảo?
 - Tiền ở đâu mà đưa? Mày suốt ngày rượu chè, bê bết. Bà không đưa làm gì được Bà?
 - A! Chà chả, con này láo. Ông tát vỡ mồm mày ra.
 Rồi Gã cứ nhảy xổng vào đánh. Cả ba đứa than khóc om sòm, mặc cho tiếng la ré của Gã ta. Tiếng khóc không làm động lòng được con cọp đực đang hăng tiết. Cứ thế người đàn bà bỏ chạy, theo sau là Gã đàn ông vờn nhau quanh gốc rơm sau nhà. Gã đăm đăm với khúc cây trên tay chực vớ được là nện cho nó gãy xương. Một con người gầy guộc, tướng chạy chàng hảng của người đàn bà có ba dạ con bị rượt đuổi bởi gã đàn ông to khỏe, vật chết cả một con bò. Bi thương làm sao, khi cả ba đứa trẻ than khóc như nhịp điệu hòa tấu cho cuộc rượt đuổi kịch liệt. Một bản giao hưởng thính phòng đến chát tai, chọt dạ. Còn đau đớn nào hơn, khi phải chứng kiến cái nỗi đau đang diễn ra trước mắt.
  Rượt một thôi một hồi, Gã đàn ông lại khát rượu, con ma rượu đã đi vào sâu vào máu, Gã gào lên như một con quỷ khát máu. Gã chạy vào nhà đập vỡ đồ đạc. Chén bát bị vỡ tan tành. Gã đi ra bếp thấy nồi sắn đang bay hơi trên ông kiền, Gã vọt lên cả thành bếp quát:
 - Lại còn sắn nữa à! Cho chúng bây đói móp mồm.
 Gã hất cả nồi sắn vô tro rồi nhảy vào tro dậm dậm. Bụi tro bay tung tóe, sáp lên tay chân, mặt mũi làm cho khuôn mặt Gã hung tợn hẳn lên. Thằng Tèo chạy đến xô Gã, sẵn chân Gã đang điên máu làm một đạp. Thằng Tèo ngã lăn quay ra đất. Bu nó từ phía sau nhà thấy con mình bị đạp ngã. Bà chạy ra giữa sân nhảy đẩng lên xé áo, xé quần
 - Bớ làng nước ôi! Nó giết con tôi.
 - Vào đây mà xem nó giết con tôi.
 - Bớ làng nước ôi!
 - Mày có câm mồm lại không ông bảo?
 - Tao không câm, mày làm gì được tao?
 Tiếng la làm hàng xóm xung quanh kéo đến. Họ nhìn thấy nhưng cũng chỉ đứng ngoài khuyên ngăn, không ai giám can thiệp. Gã đàn ông tỏ vẻ ái ngại trước hàng chục con mắt của bàn dân thiên hạ. Gã chạy lại ba đứa nhỏ, lôi thằng Tý sát lại rồi bế thốc nó lên tay.
 - Nó sẽ đi theo tao.
 - Không! Mày buông con tao ra
 - Mày câm mồm. Con tao, tao đem đi.
 - Nó không phải con mày, lũ ác ôn.
 Thằng Tý nghe đến đây chợt khựng người lại, nó nhìn chăm chăm vào Gã đàn ông. Nó hình như đã hiểu ra được phần nào.
 - Ông ta là Bố nó ư?
 Không thể nào, Bố nó không phải là người như vậy. Bố nó phải là người biết yêu thương, đùm bọc cho nó, anh chị nó và cả mẹ nó. Nó không hề chấp nhận một người Bố như Gã ta. Nó vùng vẫy, đập tay đập chân. Rồi cắn Gã đàn ông một cái. Gã đau quá buông nó xuống đất. Nó chạy đến với Bu. Nhìn Gã với cặp mắt căm thù.
 - Được lắm. Chúng mày hãy đợi đấy!
 Gã chỉ tay vào cả bốn con người đau khổ, rồi vụt chạy ra khỏi nhà. Hàng xóm xung quanh cũng lãng dần, về hết. Chỉ còn lại bốn mẹ con ngồi quây quầng bên nhau, rưng rưng nước mắt. Mọi chuyện đến quá bất ngờ, chúng nó còn chưa hoàn hồn. Bà mẹ đưa cánh tay xoa đầu thằng Tý rồi ôm nó vào lòng. Cái Mận, cái Tèo thấy thế cũng choàng tay ôm Bu chúng nó. Ở ngoài kia tiếng chim vịt kêu, nghe sao buồn thảm.
  “Nếu nhìn xa thì cuộc đời như một hài kịch, còn nhìn gần thì cuộc đời như một bi kịch”.
 Cái hạnh phúc gia đình nhìn từ xa mấy ai hiểu được, lặng lẽ, đầm ấm, không ai biết hết được. Nhưng khi nhìn gần thì nó hoàn toàn lại không như thế. Chính cái hài kịch đã đẩy con người đến với cái bi kịch trong cuộc sống. Cái nghèo đói, cái cùng cực đã đẩy con người đến với sự tha hóa. Con người cứ như là một con tạo xoay vòng, cứ có lực tác động là nó lại xoay, xoay quanh xoáy cả cát bụi.

                                                                                                 

Hương Lúa


                              
   Cái nắng trái mùa tháng 8 như thiêu như đốt. Quảng Nam mùa này đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Lúa trên khắp cánh đồng đã bắt đầu ngã sang màu vàng rực. Những con chim lúa cũng đã kéo về làm tổ, kêu ríu rít. Từng hạt nắng buông xuống ôm cả một cánh đồng, những tia nắng xỏ xiên qua từng cây lúa đỗ bóng dài nhấp nhô...
   Từ sáng sớm, khi tôi còn đang ngái ngủ thì đã nghe tiếng cô Năm, chú Sáu ở ngoài đường hỏi chuyện to nhỏ với nhau.
 -Này thì lúa nhà anh vụ này thế nào?
 -Rồi ruộng chị có bị sâu, chuột gì phá không?
 Họ cầm những lưỡi liềm đi trong ánh sáng hừng đông mường tượng như những người du mục tìm đến với chiến lợi phẩm mới. Ở quê tôi cứ đến mùa gặt lại đông vui như trẩy hội. Tiếng máy nổ, máy cắt nghe phành phạch trộn thành một âm thanh đặc trưng của một miền quê. Cái nhựa sống ấy cứ diễn ra liên tục ở mỗi thời vụ như những tập phim được chiếu đi chiếu lại không bao giờ biến ngán. Thường thì ở quê tôi người ta chỉ gặt trả công. Nhà này gặt thì được nhà kia đến giúp. Sau khi gặt xong đến lượt nhà kia thu hoạch thì nhà này sang giúp lại. Cứ thế nhà này đến nhà kia thay nhau hỗ trợ cho đến hết mùa vụ.
   Tôi vẫn còn nhớ, những năm trước khi chưa có máy gặt đập liên hoàn. Mọi người phải dùng liềm cắt bằng tay, khoảng năm đến sáu người trên một thửa ruộng. Cứ thế cắt thành từng cụm nhỏ để cho những người khác ôm lại thành một đống lớn. Mẹ tôi vẫn thường hay nói đùa:
 "Cắt mãi không thấy đầu bờ".
 Thế đấy! Nhưng rồi cả sào này sang mẫu khác cũng đâu vào đấy bởi những cánh tay như những lưỡi hái của chiếc máy tăng đơ không bao giờ biết mỏi mệt, mà năng lượng của nó là những giọt mồ hôi trĩu nặng...
   Lúa được chấc lại thành hai đống bằng nhau. Rồi người ta đặt cái máy tuốt lúa vào giữa hai cụm lúa. Chiếc máy này phải đạp bằng chân, ở quê tôi hay gọi là máy tuốt đạp. Hai người đàn ông thật mạnh khỏe đứng đạp và được hai người phụ nữ hai bên đưa từng bó lúa vừa tay để cho vào máy mà tuốt. Lúa được tuốt xong còn một công đoạn đặc biệt là phải dùng chiếc rổ mà dân Quảng tôi gọi là "Rổ Xổ" để sàng những bông lúa "dé" cho sạch hạt. Lúa làm sạch xong được cho vào bao chấc thành từng hàng trên bờ để dùng xe bò kéo về.
   Có những năm, nhà tôi còn tận dụng ánh trăng lên gặt vào ban đêm. Hình ảnh những con người trên cánh đồng kể cả những chú bù nhìn rơm và tiếng cắt lúa nhộn nhịp hẳn lên. Trời ban đêm gió mát trăng thanh, đâu đó nghe tiếng hò, vè và những khúc ca đối đáp. Lũ trẻ con trong làng lăn xăn trên cánh đồng ôm từng bó lúa nhỏ chân chạy thoăn thoắt. Từ nhà này đến nhà khác, hễ họ gặt xong là tranh thủ giúp nhau. Tiếng chọc ghẹo của các cô chú độc thân làm cho những chị em ra vẻ ngượng ngùng.

                                                   “Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
                                           Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.

 Thế là lũ trẻ cũng ùa theo reo hò khắp cả thôn xóm. Làm cho cái không khí về đêm thêm nhộn nhịp, cái mệt nhọc cũng bị trút bỏ hẵn đi...
   Tôi vẫn không quên, mỗi khi đến nhà tôi gặt là mẹ lại sai tôi chạy đi mua mì và thịt về cho mọi người ăn nữa buổi. Mẹ nấu một nồi nước lèo thiệt to và một thúng mì. Mẹ bỏ vào đôi gióng rồi dùng cái đòn gánh quẫy kĩu kịt trên vai. Phần tôi thì bưng cái mũng đựng chén, bát, đũa..., chạy lon ton theo sau gót chân mẹ. Những tô mì Quảng đặc sản quê tôi còn đang nóng hổi. Họ cùng nhau nghỉ ngơi, trải tấm bạt nhỏ lên đám rạ đã tuốt ngồi xếp thành một vòng tròn. Họ vừa ăn vừa kể những câu chuyện tiếu lâm cười đến no bụng...
   Những đám lúa gặt xong thì được các hộ thay phiên nhau dũ ra thành từng hàng mỏng cho mau khô. Có nhà thì bó lại gánh về chấc thành đống rơm để cho lợn cho bò. Có nhà lại đốt để làm phân, giết sâu bọ, đuổi lũ chuột đồng. Cái giống chuột đồng là thứ mà người dân làm nông rất ghét. Răng nó như những lưỡi liềm, cắn ngang mọi thứ. Có năm vụ mùa thua nặng cũng vì chúng.
   Cả cánh đồng bây giờ chỉ còn là những gốc rạ trơ trơ. Cứ chiều chiều lũ trẻ con trong làng lại bẻ những nhành keo làm khung thành đá bóng. Bụi tro làm cho chúng nó đen sì như những tuyển thủ Châu Phi. Xa xa chú Hai và một số nhà cho lũ vịt ra săn mồi, rĩa những bông lúa còn rơi vãi trên mặt đất...
   Hình ảnh khói lam chiều, tiếng ếch nhái trên cánh đồng quê, những con người nông dân quanh năm tất bật trên ruộng lúa như một kỷ niệm đẹp trong tôi.


                                                                                                

Góc Khuất


   Khi cái nắng gay gắt của ánh mặt trời như ngàn tia lửa lan tỏa khắp trần thế bị kéo lùi dần về dãy núi phía Tây thì cái không gian buổi chiều tà nó đã hiện hữu dưới nhân gian. Nhìn xa xa ở cuối chân trời từng đám mây đen đã ứng dần chạy khắp nền trời lấn át cả bầu trời xanh. Hơi lạnh từ biển thổi vào như thổi bay đi cái mệt mỏi, cực nhọc hằng ngày của người dân Chợ Nam. Tiếng chim ríu rít đua nhau sa về tổ ấm, những con chim sẻ nháo nhác quanh cái kẻ ngói nhà nội tôi. Từng đàn cò trắng vỗ cánh thành hình chữ M, chữ V hướng cả về núi. Những con sa đà kiếm mồi thì cũng tìm những bụi tre rậm trú ẩn. Chỉ có những con cò lửa có thân hình đỏ chói vì cái nắng chiều bắt đầu lò dò đi tìm thức ăn trong cái thời gian ngắn ngủi. Những đàn gà con cũng ùa nhau kêu chiếc..chiếc..., chạy về nấp dưới bụng mẹ. Nhìn sang bên nhà ông Năm và ông Sáu cũng bắt đầu cái buổi chiều tà của mình bằng chai rượu gạo mua ở nhà cụ Thà. Ông Năm nhiếp một ly rượu rồi vỗ vào đùi nghe phành phạch, khà một hơi, chịp chịp cái miệng tỏ vẻ rất ngon lành. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao các ông ấy lại thèm cái món ấy đến như vậy. Đang ngồi trầm tư suy nghĩ thì bà nội cất tiếng gọi:
 - Thằng Nhỏ đâu rồi? Sao còn không xuống chợ mà đón Bu mày về mà còn thẫn thờ ngồi ì ra đấy?
Tôi giật mình nói vọng vào nhà
 - Con đi ngay Bà ạ!
   Thế rồi tôi vào nhà xỏ đôi dép cụt và đội cái mũ tai bèo chuẩn bị đi. Nói là dép cụt cũng có cái nguyên do của nó. Dân nhà nông ấy mà, lội bờ, lội bụi cả ngày chăn bò, cắt cỏ thế là nó vấp cỏ hay ụ đất mà gãy cả cái đầu chiếc dép. Thế là chúng tôi đặt đó là những đôi dép cụt. Tôi đi ra hàng rào tre trước ngõ dắt chiếc xe đạp cũ đã tróc mất cả màu sơn, cả hai dây phanh đều đứt cả. Cái bàn đạp đã bể tự bao giờ. Bố tôi đã phải lấy hai miếng gỗ mà độ lại. Những chiếc tăm xe đã bị hoăn gỉ, hai chiếc lốp thì trọc bon như những cái đầu mõ gõ của các vị sư thầy. Nói là xe đạp chứ thật tình mà nói bây giờ chiếc xe này nó như một kẻ khuyết tật già nua đã đến tuổi nghỉ hưu.
 Tôi nhìn qua bên nhà và lên tiếng
 - Bẩm ông Năm và ông Sáu con đi ạ!
 - Ừ! Mày đi đón cái Bu mày đấy à?
 Đi sớm về sớm cho kịp cơm tối nghe con? Ông Sáu nói to.
 - Dạ thưa con đi ạ!
 Thế là tôi quay đầu chiếc xe ra và đạp đi. Hôm nay chiếc xe như bị già yếu hơn mọi hôm, từng vòng đạp của nó nặng hơn, tiếng bi vỡ nghe két..két..., cái cổ xe thì nó như muốn rớt cả ra ngoài... Nhưng tôi cũng chẳng thèm để ý đến nó nữa, cứ thế tôi chầm chậm đi lên chợ Nam thả hồn mình vào trong từng luồng gió mát, ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường tâm hồn như được trãi rộng ra với tự nhiên. Con đường đầy những ổ gà, lâu lâu có những đoạn phải bì bõm xoắn ống quần vượt qua bùn lầy. Những cơn mưa giông làm cho con đường trở nên lầy lội, cứ thế tôi đạp rồi dắt bộ mãi cũng thấy khu chợ Nam ẩn hiện xa xa. Từng đoàn người lao động trên rừng về, quần quật cuốc xén từng lát đất khô cằn cho những hạt mầm xanh chớm mọc. Từ chợ Nam đến rừng Mân không xa, cả cánh rừng như vòng tay ôm cả khu chợ Nam vào lòng. Chả là chợ Nam được hình thành dưới chân đồi là vì những người lái buôn ở làng bên vượt rừng để cung cấp các nguồn nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa đủ loại...một cách nhanh chóng. Đi lâu ngày thành quen họ tạo nên thành một lối mòn xẻ giữa rừng núi. Bu tôi cũng vậy. Cứ sáng sớm Bu phải dậy sớm và đánh thức tôi dậy để mà lên chợ Nam. Đến đây Bu cùng một số người khác phải khuân vác các thứ từ chợ Nam sang núi, qua làng bên để đổi các thứ cần dùng. Quầng quật suốt ngày nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Bố tôi thì đi làm xa, quanh năm suốt tháng, mỗi năm chỉ về nhà một lần nhưng mà khoảng thời gian vài năm lại đây không thấy bố về nữa. Có người cho là bố tôi đã mất do phá núi cho lũ quan lại trồng cây thuốc phiện bị đá đè mà chết. Từ cái ngày nghe tin ấy Bu tôi như chết đi một phần tinh thần, mọi thứ trong gia đình như quả núi đè nặng trên đôi vai của Bu. Ngày tháng trôi qua, rồi nỗi đau cũng vơi đi, Bu và tôi đều mong đợi một chút hy vọng dù biết là viễn vông nhưng vẫn tin rằng một ngày không xa bố tôi sẽ trở về.
  Chợ Nam hôm nay đông vui quá, từng đoàn người ở các làng, xã kéo về tụ họp mua bán. Nào các dãy hàng xén cho đến các dãy vật dụng thường ngày. Người dân ở đây buôn bán và tụ họp phải qua tai mắt của lũ cường hào họ Đường. Tên này được giao cho cái chức cao là chính chủ Chợ, cai quản cả khu chợ Nam. Dưới tay họ Đường này có hàng chục nô lệ tay chân cho gã. Vì miếng cơm manh áo mà họ phải chịu bao nỗi khổ cực. Gã chia chợ Nam thành riêng hai khu nhỏ. Khu thứ nhất dành cho những người chức cao, vọng trọng, giàu có, mua bán trao đổi qua lại những món hàng hóa sang trọng đắt tiền chỉ dành riêng cho những người giàu. Khu thứ hai là nơi Gã dành cho lũ dân đen, những người khó khăn, nghèo khổ như chúng tôi. Đến hai phần ba khu chợ là dành cho những người sang trọng, quý phái. Chỉ còn một phần là giành cho những người thấp hèn, dân đen. Khổ một nỗi Gã họ Đường kia lại đánh thuế đến cả là mất nhân tính, phần người khổ như chúng tôi Gã đánh thuế gấp đôi. Dân tình than khóc, nghèo khổ nhưng Gã cũng chẳng thèm đếm xỉa gì tới. Chỉ suốt ngày cho lũ đàn em đi thu thuế từng hàng một, người nào không có tiền thì lũ nó đánh đập dã mang không thương xót. Cái cảnh tượng ấy ngày nào cũng diễn ra thành đến cả quen con mắt.
 Tôi ghé vào mảnh đất nổng cao ở phía ngoài khu chợ đợi Bu tôi. Đưa đôi mắt xa xa nhìn lũ trẻ con trên đám đất gò đang chạy nhảy thả những con diều bằng giấy học tung bay dưới nền trời xanh thẳm. Tâm hồn tuổi thơ của tôi trỗi dậy, tôi muốn chạy ra nô đùa cùng thả những con diều như đàn cò trắng. Thế nhưng tôi vẫn hiểu điều đó là không được và sẽ không bao giờ xảy ra. Lũ trẻ con ấy là con của các tên quan lại giàu có, chúng chẳng bao giờ để ý đến những đứa trẻ xung quanh nghèo hèn hơn chúng nó. Cái bức tường tách biệt ấy nó còn chắn lại đến cả những đứa trẻ thơ. Tiếng nô đùa, reo vang ồn đến cả một góc chợ. Thế rồi tôi bỗng nhiên giật mình một cái khi có một người phía sau tôi đang khẽ vỗ vai. Tôi quay lại, thì ra là một cụ già, cụ trạc tuổi bà tôi, cái lưng còng của bà khiến tôi thấy mà thương, tay chân bà lại khô nẻ, ống quần của bà thì xoắn ống cao ống thấp, đầy những miếng vá. Khuôn mặt móm mém nhai miếng giầu đỏ tươi. Bà nhìn tôi tay cầm bó rau diếp:
 - Mua giúp già bó rau diếp?
 Lời nói xen lẫn một giọng khàn khàn với khuôn mặt nhăn nheo thấm đượm một nỗi buồn đang hiện hữu.
 - Cháu không có đem tiền bà ạ! Tôi quơ quơ cánh tay ra hiệu.
 Nói cho ra oai đến thế chứ như tôi lấy đâu ra tiền mà đem. Mỗi sáng chở Bu ra chợ, Bu cho tôi một xu đủ mua một ổ bánh mì không, nhai quoa loa để lót cái dạ dày buổi sáng. Những lúc khuân vác được nhiều hàng thì còn được ổ bánh mì mà nhai. Những khi ít hàng thì tôi cũng mang cái bụng đói về nhà mà nhai củ sắn lùi bà nướng trong bếp. Rõ khổ đến thế nhưng vẫn qua ngày.
  Bà đặt bó rau diếp lại vào rổ rồi ngồi chồm hổm dưới đất, đợi ai ngang qua mua giúp bà một bó. Tôi cảm thấy buồn trong lòng. Già đến tuổi vậy nhưng bà vẫn còn lặn lội đi bán kiếm từng đồng xu lẻ để nuôi sống bản thân. Tôi bấm lòng không cho xúc cảm dâng lên đôi mắt đã bắt đầu rơm rớm. Sao ông trời không nhìn xuống nhân gian cho những con người chúng tôi. Trên đời sao lại có những người giàu đến nứt vách bù lại có những người nghèo đến xơ xác. Sự ngăn cách ấy quá lớn như là góc khuất che đậy lại cái thực tại đau khổ, nghèo hèn ấy, bao vây lại để rồi không có lối thoát. Trời sinh voi, trời phải sinh cỏ nhưng những đám cỏ tươi xanh ấy ở đâu duy chỉ còn lại những gốc cây khô cằn. Chúng dân nghèo như chúng tôi vẫn tin không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Cái điều vẫn đang ám ảnh trong từng suy nghĩ của mỗi người chúng tôi.
  Tôi lại gần bà cụ và bắt đầu trò chuyện trong khi bà đang cầm túi tiền xu, dăm ba đồng ngồi đếm.
 - Sao bà không đem vào trong chợ mà bán? Mà lại ngồi ngoài này?
 Bà vẫm chăm chú đếm tiền với đôi mắt lem hem. Bà lên tiếng run run, khuôn mặt bắt đầu xìu xuống.
 - Không được đâu cháu. Bà cụ xen lẫn cái lắc đầu.
 Cái lắc đầu và câu nói nửa chừng của bà cụ làm tôi thêm tò mò, khó hiểu.
 Tôi gặn hỏi thêm:
 - Thế sao lại không được hả bà?
 Lúc này tôi thấy vẻ mặt của bà có vẻ giận dữ
 - Tổ cha chúng nó. Rõ đến là tham, cái thằng họ Đường nó đánh thuế má gì mà cao ngất ngưỡng. Tao không có tiền đóng, nó xô nó đuổi. Tao già yếu phải bò ra đây.
 Sự giận dữ và la mắng của bà làm cho con mắt nhiều người phải nhìn vào
 - Đánh bao nhiêu mà nặng hở bà? Tôi ngồi xếp bằng lót đôi dép cụt xuống đường rồi nhìn bà cụ.
 Bà lại thở dài rồi nói nhưng lần này không còn to tiếng nữa.
 - Mười đồng. Phải đúng mười đồng cháu à!
  Cháu thử nghĩ xem, già bán chừng này rau có được đến là năm đồng không. Mà trong khi đó cái lũ ác ôn, vô nhân tính ấy đòi già đến phải mười đồng. Người ta sức dài vai rộng đến thế kia mà còn chưa làm đủ, như già thì lấy cái khoảng ấy đâu ra. Cái lũ ấy không giám đánh già nhưng già thấy khổ thân. Nghèo cũng là cái tội đấy cháu à. Rồi bà chỉ ngón tay qua đường chỉ tôi. Một gã đàn ông to con lớn xác đang hất tung từng gánh hàng của một người đàn bà, còn vung tay xô đẩy đánh đập người đàn bà hết sức dã man.
 Tôi nghe văng vẳng tiếng kêu la.
 - Mày có biến khỏi đây không ông bảo?
 - Tao không đi, mày có giỏi thì giết tao đi.
 - Con này láo. Mày muốn chết, ông cho mày chết.
 Thế là người đàn ông nhảy xô vào người đàn bà tát lia lịa. Người đàn bà không đánh trả mà nằm giữa chợ giãy đành đạch như con cá trên thớt sắp bị chặt cổ, lóc da.
 - Bớ làng nước ôi! Nó đánh tôi
 - Bớ làng nước ôi! Mày giết bà đi.
 - Bớ làng nước ôi!... Bớ làng nước ôi!
 Mặc cho tiếng kêu la, người đàn ông vẫn đánh đập. Người dân phải ùa vào can ngăn, và lôi người đàn bà ấy ra khỏi chợ. Chứ không, cứ như vậy người đàn bà ấy đến chết mất. Cảnh tượng hỗn độn diễn ra trong chốc lát lại càng náo nhiệt thêm khi Gã họ Đường ra mặt. Như nghe ngóng được tình hình, Gã trên xe bước xuống lên giọng quát mắng:
 - Cái lũ chó tha này. Ông đã bảo là chúng mày buôn bán là phải nộp thuế cho ông. Ông đánh thuế chúng mày như thế đã là quá nhẹ rồi. Chúng mày quậy là quậy thế nào?
 Cả chợ im thin thít không ai giám lên tiếng. Vì trong họ đang có sự giằng xé mãnh liệt, họ muốn trỗi dậy chống lại nhưng họ lại lo cho cuộc sống của họ, vì mỗi người họ đều là nô lệ là công nhân làm thuê, vác mướng cho Gã. Bát cơm trắng vơi bớt khoai sắn độn lẫn lộn của họ có được cũng là nhờ chỗ làm của Gã. Đối với họ chịu nhục đã trở thành thói quen, sự quen nhờn. Để có được miếng cơm manh áo thì họ sẵn sàng đánh đổi tất cả từ mọi sự xung quanh. Chỉ còn lại tiếng than khóc của người đàn bà bị đánh đập. Như tiếng khóc của đứa trẻ thất thanh trong đêm vắng.
 - Ông thì ông chẳng làm khó gì chúng mày. Chỉ cần nộp thuế đủ cho ông thì tùy chúng mày buôn chúng mày bán. Còn thiếu ông một xu thì chúng mày nhìn con đàn bà kia mà làm gương.
 Rồi Gã lại bước lên chiếc xe Ríp và chạy đi. Mặc cho cả chợ đang trố mắt nhìn theo chiếc xe đang khuất dần và khói bụi mù mịt bay. Đám đông rã dần, ai lại vào việc nấy. Gã đàn ông thu thuế vẫn cứ cầm khúc cây và dạo quanh khu chợ thu tiền.
 Bà cụ nhét vội gói tiền vào lưng quần rồi bưng rổ rau đứng lên. Tôi đỡ bà đứng dậy, bà phủi phủi cái đít quần dính đầy cát và quay sang tôi.
 - Cháu ngồi đấy. Bà đi đây, phải bán cho nó hết cái rổ này thì bà mới có cái ăn tối nay. Không thì nhe răng ra đói bỏ mẹ. Bà cười nhoẻn miệng rồi bước đi rao quanh khắp cả đường.
 - Tôi chỉ kịp vâng vâng, dạ dạ.
 Tôi lại ngồi xuống đất rồi nhìn vào chợ đợi Bu tôi. Cảnh tượng hôm nay để lại trong tâm trí tôi nhiều suy nghĩ. Cũng chỉ vì đồng tiền mà con người lại bị đánh đập, giẫm đạp lẫn nhau. Chửi mắng những con người đáng tuổi cha mẹ mình. Lương tâm, nhân cách của họ còn đâu. Hay như lời bà cụ nói chúng nó bị chó tha đi mất rồi. "Nghèo" và "Giàu" là hai chữ viết ra giấy rất nhanh và dễ dàng nhưng trong cuộc sống để viết nên điều đó thì thật là khó khăn. Giữa hai chữ còn cách nhau chữ "và" huống chi là trong xã hội bị ngăn bởi một bức tường khá cao và dày.
 Đến bao giờ thì cái sự kỳ thị ấy mới mất đi, sự tách biệt ấy mới thu dần khoảng cách. Thôi thì cũng đành chờ đợi vào mệnh kiếp và số trời. Trời che ai nấy mát, thế thôi.
 - Mày làm gì mà thẩn thờ ra thế hở con.
 Tôi ngẩng mặt lên, thì ra là Bu.
 - Bu đã về đấy à!
 - Ừ! Mày lại dắt xe, rồi về mau mau kẻo bà mày trông.
 Thế là hai Bu con chúng tôi dắt xe ra về, tiếng cót két lại cất lên, bỏ lại sau lưng một cảnh tượng buồn thảm.


                                                                                              

BỨC TRANH PHỐ NÚI

            
   Hạt mưa cứ rơi nhè nhẹ, Phố Núi hôm nay sao yên ắng quá. Những giọt mưa lất phất trong gió cộng thêm muôn vàn chiếc lá vàng rơi khẽ trượt nhẹ trên tóc nó. Nó thầm nghĩ cái thơ mộng của mùa thu giờ đây đã thành mùa mưa rơi, lá đổ hay chăng? Cái lạnh của Phố Núi buổi sớm chừng khoảng 15-20oC chỉ nghỉ đến tấm chăng ấm và cái nệm thật êm là nó đã cảm thấy ấm áp. Không biết giờ này Phố Biển có lạnh không nhỉ?... Thắc mắc trong nó sao mà lạ lùng đếm thế??? Nó mĩm cười thật nhẹ, nó cũng chẳng cần quan tâm đến điều đó những hình ảnh mà người ta vẫn thường hay ví von đến như thế. Vì trong thâm tâm của nó, mùa này là mùa để tâm hồn của nó được bay bổng khắp nơi đi đây đi đó. Có ai đó bảo rằng: nó lãng mạng ư? Ừ! Thì cứ cho là thế. Hãy thả hồn mình trong cái khung cảnh mùa thu ấy với những chiếc lá ngã màu đang dần lìa xa khỏi cành, tạo nên con đường lá vàng bước chân nghe xào xạc. Xen vào đó là những đồi thông xanh rì rào muôn thuở là những sắc màu vàng, đỏ, cam của những chiếc lá mùa thu. Phố Núi nơi nó ở cũng như bao thành phố khác. Nhưng với nó đây là nơi nó vẫn thấy gần gũi nhất, đẹp nhất gắn liền với tuổi thơ dữ dội của nó. Nơi đây cũng có cả thác, có thông, có suối và cả khu vườn tuổi thơ như khi nó ở thành phố sương mù Đà Lạt của nó vậy. Đúng thế! Nó tìm được cái hạnh phúc và mái ấm mà lâu nay nó đã bị bỏ quên.
   Những làn sương mù phủ mọi góc phố mỗi sáng khi nó đi học, những chiếc lá cùng nhau nô đùa đổ xuống sau những cơn gió rơi nhẹ lên vai nó mỗi lần đi qua một tán cây. Cả bầu trời xanh ngắt, có những đám mây đang chầm chậm bay lơ lững trên nền trời làm cho nó lại thấy nhớ về Đà Lạt quay quắt. Kỉ niệm ấy vẫn đi theo cả cuộc đời nó, như ăn vào máu thịt của một người con của thành phố như nó. Cái mà nó thường hay vui miệng nói là mùa thu trữ tình. Từng góc cạnh của cuộc sống như hiện ra trước mắt nó, có một chút gần gũi mà xa xôi, đơn sơ mà khó nắm được…
   Những ngày nghỉ, con đường ngoằn ngoèo lại đưa nó lên đỉnh núi cao nhất của phố núi Pleiku. Nó rời xa Đà Lạt cũng đã lâu. Chính cái không gian cái khí hậu và vẻ đẹp của nơi đây đã làm cho nó thấy vơi đi nổi nhớ Đà Lạt. Lên đến đỉnh núi, nó muốn dang tay ra ôm trọn cả thiên nhiên vào trong nó, nó hít thật sâu cái khí lạnh của màng sương. Những mảnh hoa lan rừng đầy màu sắc của thung lũng gần đó lôi kéo nó về với vườn hoa ngày xưa. Nhũng chiếc lá mang từng giọt sương đang trĩu nặng đã bắt đầu ngã màu nhắc nó mùa thu của quê nhà. Một mùa thu của thành phố cao nguyên. Mọi thứ cứ hiện ra trước mắt nó một cách bất ngờ!... Những lúc mệt mỏi hay buồn phiền nó lại đến đây, có lẽ đây là ngôi nhà là quê hương thứ hai của nó. Nó tâm sự cả niềm vui và nổi buồn vào trong cây và gió, nó tìm được một khoảng trời cho riêng nó, để nó cảm nhận một sự rung động ngọt ngào.
   Đã mấy tuần nay, nó cảm thấy mệt mỏi về tinh thần, sách vở đã làm cho nó rối bời cả đầu óc. Thế là nó lại tìm đến chiếc tổ ấm của nó. Nhìn quanh, không thấy ai, nó ngã lưng đưa một tay lên gối đầu, nó ngắm nhìn những giọt nắng tinh nghịch đang nhảy nhót qua những kẻ lá tạo thành đủ màu sắc cầu vồng. Những giọt nắng đậu lên người nó làm nó ấm áp vô cùng. Thấy gió lao xao, những nhành cây đong đưa, tất cả như hòa thành một nhịp điệu ru nó vào giấc ngủ. Nó mơ màng, hiu hiu đôi mắt, và Phố Núi đã ru nó một giấc ngủ thật êm. Giấc mơ đã tìm đến nó, nó lại thấy ai đó đã lạc vào trong khu rừng thu của nó vậy? Nó không thích điều đó. Thấy lạo xạo trên lá khô khi người ấy tới gần đã làm cho nó giật mình tỉnh giấc. Nó nhìn quanh chẳng thấy ai, chỉ có những chiếc lá vùi sâu nó dưới tán cây.
   Phố Núi chiều về, nắng vàng rực rỡ. Tất cả mọi thứ kể cả nó cũng trở nên vàng đi. Nó thấy thích thú và đưa tay ra nhặt những chiếc lá vàng rơi. Tất cả bỗng như một niềm vui đến với nó vô tình, lặng lẽ, giúp nó vui và nhoẵn miệng cười thật tươi cho cuộc sống xung quanh đang trôi thật chậm theo thời gian. 
   Mùa thu đã đi qua một nữa, thời tiết cũng trở nên lạnh thêm. Chiếc xe nó đến trường hôm nay rẽ từng chiếc lá trên đường đã dày đặc. Lá hôm nay rơi nặng thêm, vướng cả vào chiếc xe đạp của nó. Từng làng hơi sương mờ mờ làm cho cảnh vật đẹp lạ kì, Nó chỉ muốn nhảy xuống xe để tận hưởng cái giây phút ấy. Những chiếc lá cứ thế bay trong gió ùa nhẹ dưới lòng đường như từng cơn lốc xoáy dần, xoáy dần vào tim nó. Nó lại muốn ngắm cái khoảnh khắc ấy! Từng chiếc lá trôi nổi chẳng biết sẽ bay về phương nào như bản thân nó vậy.

   Hơi sương phảng phất như những hạt bụi li ti buông xuống như tấm vải lụa phản phất trong gió. Như một bức tranh mùa thu đầy màu sắc rực rỡ. Nó lục vội trong cặp một mảnh giấy và cây bút chì, nó bắt đầu phác họa một bức tranh cho riêng nó. Bức tranh mùa thu của Phố Núi.

Kỷ niệm mái trường


     Cái lạnh như thấm vào da thịt. Mưa! Từng hạt mưa cứ trượt dài trên thân thể. Đã lâu rồi mới có lại cảm giác này, màng mưa làm cho mình như lạc vào không gian khác. Kéo xa dần cái không gian thực tại.
     Mưa mang đến cho lòng người những âm vang của khúc giao mùa. Một bản tình ca du dương ru nhẹ lòng người. Ký ức cứ thế lại ùa về, thèm được chìm đắm trong hơi thu dìu dịu với những cánh phượng rơi trong gió và chút ngào ngạt của mùi hương hoa sữa. Hình ảnh những tà áo dài của các bạn nữ cho đến những trò nghịch ngợm của các bạn trai, đang thướt tha vui đùa trên sân trường đầy lá rụng. Vẫn những âm thanh ồn ào đấy, nhưng mỗi con người lại muốn tìm một chút dư âm đi sâu vào lòng mình. Ghế đá rêu phong vì thời gian, từng chiếc lá vẫn đang lạo xạo rơi…
     Hằng năm ở quê mình vào độ này lại đắm chìm trong hơi nước, tiếng chim ngưng hót, một cảm giác ướt át, từng giọt mưa làm trĩu nặng những chiếc lá, một không gian mờ ảo trong sương thu. Cả đất trời dần bị thu hẹp lại. Trời âm u, hơi nước cứ ùa vào khe cửa lành lạnh. Lôi tấm chăn trong cái rương gỗ thơm mùi mông mốc, trãi vội ra giường. Rồi cứ thế mà cuộn tròn quanh người. Mặc cho hạt mưa bên ngoài đang dần nặng hạt rơi mãi…
     Khi cơn mưa đã ngớt, từng làn gió bấc lùa về, cái lạnh thấu xương, rét buốt. Tiếng chim Cuốc bắt đầu nghe văng vẳng, mùa thu lại đến.
     Quảng Nam. Mùa hạ thứ hai xa nhà. Suốt hè, thời tiết lúc nào cũng nóng bức, ngột ngạt. Gió Lào ở phía Tây Nam thổi cái hơi nóng rát da, cát bay mù mịt càng tăng thêm cái nóng đặc thù miền cát biển. Chỉ khi mùa thu đã chạm ngõ và gõ cửa từng nhà, gió bấc hiu hiu thì người ta mới hiểu mùa thu đã về. Những cơn mưa phùn đánh dấu cho cái thời tiết đầu thu…
     Mưa! Từng giọt mưa cứ rơi rơi nơi góc phố, đôi lúc như quên bẵng đi rằng mình vẫn đang cuộn trong chiếc chăn mỏng nơi gác trọ, tưởng như đang ở quê nhà.
Lục lại ký ức nơi mình theo học suốt hai năm qua. Một cảm giác thân thương quen thuộc lại ùa về. Những buổi sáng, ánh nắng chiếu xuyên qua từng kẻ lá, rọi thẳng vào ô cửa sổ nơi gác trọ, tiếng chim sẻ đã bắt đầu ríu rít, nhảy qua lại trên nhành mai cạnh nhà như muốn tắm mình dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Báo hiệu đến lúc phải thức dậy đến lớp. Những buổi chiều tám chuyện cùng lũ bạn học trên ghế đá dưới những tán lá bàng đã bắt đầu rơi rụng. Những trò trêu ghẹo với các bạn nữ, vẻ ngượng ngùng của những cặp đang yêu…Từng điều nhỏ nhặt lưu dấu trong mình dần thành những kỷ niệm khó quên. Những hình ảnh ấy, gương mặt ấy, như những thắt nút luôn theo mình đến cả cuộc đời.
     Nhớ có lần vào năm một, sau khi đi quân sự ở huyện Phù Cát trở về. Khi xe buýt chở tất cả các bạn trở về sắp đỗ vào bến, nhìn hàng chữ in đậm “ ĐẠI HỌC QUY NHƠN” tất cả các bạn như vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Ngôi trường đã trở nên thân quen, như ngôi nhà thứ hai của chúng mình vậy. Nhìn vẻ mặt hào hứng và vui mừng của những đứa sinh viên, bác tài cũng nở một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt đã già đi vì mưu sinh cho cuộc sống. Vất vả, lăn lộn một tháng nơi thao trường, mọi mệt nhọc, nóng bức như bị trút bỏ hẳn đi. Ngôi trường như vòng tay ôm chúng mình vào lòng như những đứa con lâu ngày xa mẹ. Chỉ những ai đã từng gắn bó, yêu thương, thực sự sống với mái trường này mới hiểu hết được những cảm giác ấy…
     Nhớ những đêm đi làm thêm ở quán cà phê trở về, đôi chân dường như không còn bước nỗi nữa. Nhưng vừa đi ngang qua cổng trường thì tự dưng bao căng thẳng, xô bồ, ồn ào dần rơi lại cả sau lưng. Mùi hoa sữa thoang thoảng trong gió, ru nhẹ hồn ai vơi đi bớt nhọc nhằn. Ngôi trường vẫn im lìm sau hàng cây, xóa đi cái ồn ào, nhộn nhịp của thường ngày. Những luồng gió biển thổi vào mang hơi thở cho cả thành phố trong đêm.
Sáng nay lại bắt đầu một ngày mới, như thường lệ tiếng chim ngoài cửa sổ đã bắt đầu cất tiếng hót. Bước chân đến trường mà trong đầu óc vẫn còn đang say ngủ. Những sợi nắng vàng mắc víu trên tán lá bàng xanh đã trở nên xa lắc xa lơ, nhường chỗ cho buổi đầu thu tựu trường của những bạn tân sinh viên bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường đại học. Nhìn những bạn sinh viên khép nép bên cánh cửa hội trường. Mình lại nhớ về những ngày tháng đầu tiên vào nhập học. Bao nhiêu niềm vui cứ hiện rõ trên khuôn mặt từng đứa. Chặng đường tương lai đã bắt đầu hé mở.
     Chợt suy nghĩ: “ Thế là mình đã trở thành sinh viên năm ba”, miệng hé nở một nụ cười, tiếp tục bước đi để lại sau mỗi bước chân những kỷ niệm không quên.