Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Vũ trụ và cá nhân trong thơ W.Whitman và R.Tagore (Lê Từ Hiển)

Vũ trụ và cá nhân trong thơ W.Whitman và R.Tagore (Lê Từ Hiển)


Ở Tagore, cái nhìn phương Đông mang màu sắc tâm linh suy tưởng hướng về hoà hợp thể xác – tâm hồn. Ở Whitman, cái nhìn phương Tây đậm tính thực, ca ngợi thân xác (mà nhiều người cho là “bản năng”): “Không một đốt tay, không một bộ phận nhỏ nào là xấu xa đê tiện… Tôi tiếp nhận tất cả mọi bộ phận và tất cả mọi thứ thuộc về tôi và thuộc về mọi người thân tình và sạch sẽ”.
1. Không phải đến R. Tagore (1861-1941) – trong Amilya Chakravaty, vấn đề vũ trụ và cá nhân mới được đặt ra, hay như trong Lá cỏ của W. Whitman (1819-1892) mà hơn một lần R.Tagore viện dẫn, qua đó chứng tỏ sự tâm đắc của ông đối với nhà thơ Mỹ đàn anh. Tagore đã phân tích thơ Whitman để chứng minh quan niệm của ông về vũ trụ và cá nhân(1). Ông cho rằng: thế giới tồn tại theo cách mà ta nhận thức nó tồn tại, nghĩa là vật cho ta chứ không phải vật tự nó, theo đó ta có thể kiến tạo lại  thế giới theo cách của mình, và con người là trung tâm của thế giới ấy. Theo đó Whitman đã dựng nên một vũ trụ bằng thơ ca mà chính ông là trung tâm “ở trung tâm thế giới ông, ngự trị tính cách của riêng ông. Mọi sự việc, dáng dấp của thế giới đó có liên quan đến sức mạnh sáng tạo của trung tâm ấy”(2). Thuộc về hai định hướng tư tưởng khác nhau, giữa Đông và Tây có sự khác  biệt lớn, nhưng Whitman và Tagore là mối duyên kỳ ngộ độc đáo trên lĩnh vực Thơ ca – Tư tưởng, đặc biệt về cảm quan vũ trụ.

Thật ra, việc giao thoa, xâm nhập về triết học, văn hoá, văn học… giữa Đông – Tây không phải là điều gì mới mẻ. Trong Phương Tây và phương Đông, N.I. Konrat đã lưu ý độc giả vấn đề các quan hệ văn học, xem đây là “một trong những vấn đề quan trọng của lịch sử văn học thế giới”, “cần phải được xem xét một cách chặt chẽ trong toàn bộ tính lịch sử cụ thể của nó”(3). Ông cũng xác định “vào nửa cuối thế kỷ XIX, tại một số nước phương Đông, nhiều yếu tố của văn học Âu châu đã được tiếp nhận phổ cập trong một số tầng lớp xã hội. Chẳng hạn, các nền văn học này […] được tầng lớp những người có học vấn Âu châu trong xã hội Ấn Độ biết rõ”(4). W. Durant nhìn nhận “… từ khi Tagore mới chào đời, phương Tây đã xâm nhập phương Đông bằng mọi cách và đương làm thay đổi lần lần tất cả đời sống phương Đông”(5). Sinh ra trong một gia đình phong lưu, từ bé Tagore đã hít thở bầu không khí sáng tạo nghệ thuật – “Sinh thời ông rất coi trọng Whitman”(6). Trong tập thơ Lá cỏ (Leaves of Grass – 1855), Whitman đã thể hiện một “tài năng phi thường biết kết hợp nghệ thuật với tôn giáo”(7), dựng lên một “thế giới” (theo Tagore) – hay bản thân ông cũng là “cả một thế giới, một vũ trụ” như vẫn được xưng tụng. Bản thân Tagore – cũng là một thiên tài nghệ thuật, đồng thời là một triết gia(8) với những tác phẩm thấm đượm chiều sâu triết lý. Cùng với Whitman, Tagore tìm đến và thành tựu ở một kiểu loại mới mẻ – thơ triết luận – hội tụ đỉnh cao xúc cảm – trí tuệ.

2.1. Xét về lịch sử, từ một nước Ấn già nua, huyền ảo, tâm linh, khổ hạnh… đến một nước Mỹ non trẻ, thực dụng, cá nhân, hưởng lạc… trong thời hiện đại liệu có một sự ảnh hưởng, tiếp nhận và gặp gỡ giữa Whitman và Tagore? Nước Mỹ từ “thời kỳ thuộc địa” đến “người Mỹ mới” đầu thế kỷ XVII với những cuộc di dân đã tạo ra tính năng động xã hội, thừa nhận giá trị cá nhân và ý thức sâu sắc về bình đẳng. J. Edward (1702-1758) với tác phẩmTự do ý chí (Freedom of the Will – 1754) mở ra thời đại ánh sáng, tự do, Tuyên ngôn độc lập (1776) xoay quanh những “đề mục Mỹ” lý giải bản tính con người và được xem là Phúc âm điểm tựa cho đạo đức, giá trị… của ý thức Mỹ. Chủ nghĩa Siêu nghiệm – chủ nghĩa lãng mạn Mĩ được xem là “sự nổi loạn của thiên tài” trong thời kỳ “nước Mỹ trẻ” gắn liền với nhà tư tưởng – thi sĩ R.W. Emerson (1803-1883). Tác phẩm Tự nhiên (Nature – 1836) mang tinh thần thời đại: Vũ trụ Chúa tạo dựng và cá nhân gần gũi, gắn bó bạn bè. Đó là tiền đề cho sự xuất hiện một thi sĩ triết gia như W. Whitman cùng với Lá cỏ, tác phẩm được Emerson xem là “phi thường nhất của trí năng và tầm thông tuệ mà nước Mỹ cống hiến”.

Ở Tagore là một mẫu mực của sự kết hợp hài hoà truyền thống – hiện đại, dân tộc – quốc tế, riêng – chung… “Trước mắt chúng tôi là con người đạt đến sự hiền minh nhiều thế kỷ của dân tộc Ấn Độ đồng thời lại gần gũi với những vấn đề của ngày hôm nay, một ngày nay đang chuyển rất nhanh đến tương lai…” (J. Nehru). Tagore gọi Veda là “bản di chúc thơ ca về phản ứng quần thể của một dân tộc trước những điều kỳ diệu và nỗi kinh hoàng cuộc sống” và tiếp thu ở đó tinh thần “Hiểu biết thực sự là hiểu biết có thể đưa ta tới tự do”, ở sự nhấn mạnh vai trò của nhận thức, ở khía cạnh đồng cảm, tình thương trong mối quan hệ con người – thần linh (chứ không phải lòng tin mù quáng), và ở khát vọng to lớn con người được hoà nhập làm một với vũ trụ. Tagore chọn lọc ánh sáng khẳng nhận hành động và trung hoà Atman – Brahman trong Upanishad, bằng cái Tự ngã Đại ngộ vén mở tấm màn Ao hoá và thổi những tư tưởng thâm trầm ấy bay lên bằng giọng điệu đằm thắm mê ly của riêng ông(9).

Tiếng vọng ngàn năm đọng lại, kết tinh trong chủ điểm tư tưởng của Tagore về cá nhân – vũ trụ: “Thái Nhất (the Supereme One) là thực thể cá tính, sáng tạo ra thế giới và con người để biểu hiện bản sắc độc đáo của mình. Thái Nhất với con người hoà đồng với nhau trong tinh thần tương ái – bình đẳng”(10). Thời đại Phục hưng Ấn Độ tạo nơi hội tụ của những dòng sông. Ba trào lưu: Tôn giáo – Dân tộc và Văn học đã góp phần làm nên dòng sông thi ca Tagore, từ mạch sông Hằng vươn ra đại dương nhân loại.

Tagore tiếp thu tinh thần nhân văn trong văn học Phục hưng phương Tây, yêu thích và chịu ảnh hưởng Whitman – như ông từng thừa nhận – là điều dễ hiểu. Nhưng ngược lại, “cổ nhân” Whitman có gặp gỡ “lai giả” Tagore? Nghe có vẻ nghịch lý. Nhưng nhớ lại những lời ca ngợi Lý Bạch của Baudelaire trongÂn huệ của mặt trăng, ta nhận ra trong xu hướng khai thác hấp thu văn hoá đậm màu lãng mạn huyền bí của phương Đông, vào đầu thế kỷ XIX, thơ tượng trưng Pháp đã bắt gặp thơ Đường và hội ngộ hài hoà trong thơ Mới Việt Nam (1932-1945). Không phải là Whitman ảnh hưởng trực tiếp từ Tagore mà tiếp nhận được ít nhiều ở nguồn mạch nền văn hoá thâm trầm huyền ảo đã sinh ra Tagore: “Người ta thấy những nhà lãng mạn siêu nghiệm Mỹ quan tâm nhiều tới chủ nghĩa phương Đông bởi vì họ đưa vào tiềm thức văn hoá của mình vào thế giới văn hoá phương Đông không chỉ về quan niệm giữa cá nhân và vũ trụ – thường ở trung tâm của những học thuyết ở phương Đông – mà còn xuất phát từ truyền thống thần bí châu Âu gần gũi với trường phái Ấn Độ Veda. Sự việc những nhà lãng mạn Mỹ quan tâm tới phương Đông đã đi tới niềm tin trong sức sống của nền văn hoá trẻ Mỹ mà họ coi đó chỉ là sự gần gũi với lý tưởng nhân văn phổ quát, tự do mà còn nằm trong truyền thống ngàn năm và do vậy nền văn hoá đó là mở với ảnh hưởng phương Đông hơn là văn hóa châu Âu tự thu mình trong bản thân mình” (LTH nhấn mạnh)(11). Tình yêu và lời tụng ca sức mạnh kì diệu đưa con người lên cõi vĩnh hằng trong Những bài luận (Essays – 1844), hình tượng Brahma được Emerson vay mượn nhằm nhân cách hoá tính thiêng liêng… hẳn đã được Whitman trân trọng tiếp thu. Có vậy mới thấy, sự hình thành những nhà văn dân tộc Mỹ là cả một quá trình và Whitman có một vị trí tiên phong – tiêu biểu xứng đáng. Và khi nghĩ về Tagore, “toàn bộ năng lực sáng tạo của dân tộc Ấn, bấy lâu nay đứt đoạn vì ngoại xâm, nay tìm thấy đường đi, và hiện lên qua con người kỳ lạ này” (Ehrenburg). Thơ Dâng là kỳ công thứ hai sau Sơkuntơla. Và trong tương quan tình yêu, Lá cỏngọt ngào trong bào thai vũ trụ, giọt sương hoan lạc mang sắc nắng mặt trời.

2.2. Có cái “bắt tay vĩ đại” vượt không gian – thời gian ấy còn phải có “tần số thời đại”. Whitman và Tagore lớn lên trong những điều kiện lịch sử – xã hội có nhiều điểm tương đồng: cuộc nội chiến chia rẽ nước Mỹ và cuộc chiến chống thực dân Anh với những chia rẽ tôn giáo, đẳng cấp nặng nề. Sự gặp gỡ tâm hồn – trí năng và tâm linh giữa Whitman và Tagore, nói như Chu Mạnh Trinh “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu”. Chiếc cầu nối từ Whitman đến Tagore từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX với bao biến động, vấn nạn không là của riêng ai. Đối diện với những vấn đề lớn của dân tộc – nhân loại, thơ mang đậm chất suy tưởng. Lúc này có sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền tư tưởng, văn hoá như Whitman cảm nhận:
Tôi tự tay đo kích thước chính xác của Jêhôva
Vẽ trên thạch bản Krônôx, Zơx, con trai ông
và Herculex cháu nội ông


Mua phác thảo tranh Izix, Ôzirix, Bêlux, Brama, Đức Phật
Đó là điều kiện để Tagore lựa chọn trong Sadhana: “Chúng ta được nối kết với vũ trụ bằng một tương quan sâu xa hơn và cốt yếu hơn […]. Đó là một tương quan tình yêu”(12). Và Whitman kiến tạo:


Ở Manahata và các thành phố bang khác

Trên đất liền lẫn trên biển cả
Trên ván thuyền đè sóng dữ
Chẳng nhà, chẳng luật, không uỷ thác
Chỉ một ngôi nhà của tình yêu
“Ngôi nhà của tình yêu”, “tôn giáo của tình yêu” là những thứ mà Whitman và Tagore hướng đến trong một thế giới bị xé nát bởi chiến tranh, hận thù. Và hai ông đã xây dựng được – trên mảnh đất thơ ca – một thế giới mà tương quan giữa vũ trụ và cá nhân là “tương quan tình yêu”.

2.3. Trước hết, Whitman và Tagore gặp gỡ nhau ở quan điểm nghệ thuật trong cái nhìn thế giới và con người ở tương quan phụng sự hoà hợp được thể hiện bằng chiều sâu trí tuệ cảm xúc. Cả hai đều là nhà thơ của Đất. Bài hát chính tôi  (Song of Myself) – linh hồn của Lá cỏ – không chỉ là lời ngợi ca cái Tôi nghệ sĩ mà còn là lời xưng tụng thế giới lao động, dựng xây thời đại từ tình yêu của Đất: “Đất trút cho ta tình yêu không tính đếm, cho nên ta cũng trao tình yêu cho Đất – Ôi tình yêu say đắm không sao nói được nên lời”... Hiện thực ấy bay lên trong tình yêu giản dị mà trữ tình huyền ảo của Tagore: “Có một nhà thơ – của Trái Đất – Đó là tôi – Những điệu Ly tao của Đất – Vọng vào ống sáo tôi chơi”... Lá cỏ khiêm nhường, giản dị, gần gũi với đất, gắn liền với sự sống. Thơ Dâng là kỳ công của thơ ca dâng hiến, ca ngợi, phụng sự con người, tặng vật cho Đời. Ngàn năm thơm ngọt mãi cỏ non: “Hỡi Đất lớn lao – Đã bao lần tôi cảm thấy bản thân tôi – như muốn trộn lẫn với người – và  chia sẻ niềm vui của từng ngọn cỏ non” (Bài 7 – Người thoáng hiện).

Đó là hai nhà thơ của tự do, của con đường rộng mở, của chân thành tận hưởng cuộc đời. Cuống cuồng đến bình thản, giản dị đến hết mình như Whitman: “Tôi là nhà thơ của Thể xác và nhà thơ của Linh hồn – Những vui thú trên đời đều thuộc về tôi cũng như những khổ hình địa ngục”. Nồng thắm đến thiêng liêng, cụ thể đến vô cùng như Tagore: “Tôi đã hôn cõi đời này với chân tay và đôi mắt của tôi – Tôi đã ôm nó vào lòng tôi, xiết chặt nó vào lòng – Tôi đã cho ý nghĩ của tôi tràn ngập cả ngày và đêm của nó” (Bài 53 – Hái quả). Đó là hai tâm hồn thi nhân đồng điệu vơi đầy giữa cá nhân – cá thể – cá biệt với cộng đồng – vũ trụ… như lời đối thoại bi thương – hoan ca giữa giọt sương và vầng dương, như cốc rượu tình yêu uống cạn – tràn đầy trong thơ Tagore. Như Whitman tuyên bố trên hành trình cuộc đời hoàn bị – chưa thành: “Tôi là tụ điểm tuyệt đích của mọi vật đã hoàn bị, và tôi chứa đựng những sự vật chưa thành”. Khác nhau ở chỗ, Whitman nghiêng về lý trí , Tagore xúc cảm trí tuệ trên hai bờ thượng đế – con người, hạnh phúc – khổ đau, sống – chết… Cả hai đều được nuôi dưỡng, hướng về tâm linh vô biên nên tình cảm – trí năng được ảo hoá trong thơ. Thơ cả hai đều ngập tràn ánh sáng. Ánh sáng về với Đất, thiên đường hiện lên trong ánh nắng mặt trời, cỏ xanh mặt đất, vẻ đẹp con người. Cả hai đều là những nhà thơ của quần chúng. Whitman vượt lên những sáo rỗng từ chương: “Các thời đại không ngừng phát triển từ chương – Và từ của tôi, một từ hiện đại, từ Quần chúng – Mặt trời của lòng tin không bao giờ lùi bước – Dù ở đâu hay sau này cũng vậy, tôi tuyệt đối chấp nhận thời gian”. Tagore luôn có một lòng tin mang ánh sáng mặt trời:  “Trong bóng tối, trong nghèo nàn và đau khổ – Hỡi thần Thơ ca hãy đem cho chúng tôi bó đuốc và lòng tin tưởng”. Cho nên cả hai bất tử – như Whitman dự báo: “Tôi là kẻ tâm giao, là bạn đường thiên hạ, thảy đều vô hạn và bất tử như tôi”. Cái bất tử vẫn còn mãi trong chiếc ly tràn đầy cuộc sống tôi dâng khi Tử thần gõ cửa, trong triết lý sinh hoá bất tận của phương Đông: “Hãy để cuộc đời đẹp như hoa mùa hạ – Hãy để cái chết về như lá mùa thu”. Whitman ký thác cho Đất, sống như cỏ, được tái sinh từ cỏ: “Tôi ký thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu – Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”. Tagore hôn đất, hoá thân lá cỏ, thi nhân hoá tình nhân cuộc đời: “Ta không còn nữa cây ơi – Thì xin lá mới xuân đời thay ta – Nhắn người lữ khách đi qua – Rằng thi nhân ấy chính là tình nhân”.

3. Tương quan cụ thể mà thiêng liêng, cảm tính mà trí năng… giữa con người và vũ trụ như sắc cầu vồng trong thơ Whitman và Tagore.

3.1. Vũ trụ - qua hình ảnh thiên nhiên - tràn ngập trong thơ Whitman. Chịu ảnh hưởng của phái tiên nghiệm do Emerson làm tiên phong – với tuyên ngôn Tự nhiên (1836), trong đó con người “thông qua đồng cỏ, qua con thuyền trên hồ, qua những tiếng hót của những con chim gõ kiến” có thể hiểu bao lẽ nhiệm màu – Whitman với ý thức “Dù dở dù hay, tôi ấp ủ trong tôi Thiên nhiên, cho tha hồ phát biểu” đã khám phá ở đó bao điều mới mẻ. Thiên nhiên rạo rực sinh sôi trong từng lá cỏ, ngọn tử đinh hương, từng cây táo, ngọn dâu rừng, ngọn sóng tung tăng, cả mùi bùn và mùi của những đầm lầy. Trong thiên nhiên yên tịnh mà thẳm sâu, thi nhân – triết nhân đã đọc được những thông điệp không lời:
… một lá cỏ không thua gì vòng bay của các vì sao
…Tôi nghĩ tôi có thể quay về sống cùng muông thú,


chúng thật thản nhiên và tự chủ
Các thi nhân phương Đông học được nhiều hơn ở thiên nhiên trầm mặc, và thiên nhiên đã trở thành bài học cho Tagore từ thời thơ ấu. Cảm nhận lời vũ trụ, “Tuổi mười tám, một thoáng gió mùa xuân… đánh động vào tim tôi” (Hồi niệm), chớm nở tình đầu – tình yêu thiên nhiên, tự nguyện, dâng hiến. Với Tagore, thiên nhiên “nói hộ những tiếng thì thầm muôn đời của con người, vũ trụ, thiên nhiên trong một sự thống nhất vĩnh hằng”(13). Thông điệp nào trong chiếc lá cỏ nhỏ nhoi, thông điệp nào trong đoá hoa sen thơm ngát được nhà thơ lắng nghe bằng cả tim mình: “Bãi sa mạc hùng vĩ - Đang cháy lên bởi tình yêu của một ngọn cỏ”. Tiếng nói của cỏ hoa cho Whitman nhận ra: “Rằng rường cột của sáng tạo chính là tình yêu – Và vô tận vô cùng những lá đồng đâm lên rủ xuống – Và những chú kiến nâu trong những giếng tí hon dưới cỏ xanh”…? Chỉ biết rằng, với Whitman và Tagore, vũ trụ là một bài thơ lớn của cuộc đời được tình yêu dệt nên vần nên điệu, vừa bình dị gần gũi vừa cao cả thiêng liêng. Nhưng hoà mà không đồng, cũng là lá cỏ nhỏ nhoi trong tương quan bình đẳng, ở Whitman là những suy lý hồn nhiên: “Tôi tin một lá cỏ không thua gì một vòng bay của các vì sao - Và con chẫu chàng xanh là một kiệt tác bậc thầy”. Còn ở Tagore là một vũ trụ có linh hồn, nhạy cảm, tinh tế, giàu cảm xúc suy tư. Lá cỏ không còn là một thực thể khách quan tồn tại bên ngoài, mà được nội cảm hóa trong tương quan hoà hợp: “Trong sân chầu vũ trụ – Chiếc lá cỏ bình thường – Cùng ngồi chung một thảm – Với mặt trời – Và sao sáng trong đêm”.

Cái mộng đẹp tình yêu, cái vĩ đại tự nhiên, cái thanh tĩnh hài hoà ở tâm hồn – vũ trụ Tagore đã được nói nhiều, được Andreé Carpeles tôn xưng bằng những vần thơ cô đọng:
Gurudeva! Người phiên dịch kỳ diệu
Của Thiên nhiên còn đầy bí ẩn


Và huyền ảo của Tình yêu…
Trong khúc giao hưởng của niềm vui ở “người tình thiên nhiên”, Tagore mang cảm hứng huyền ảo ngàn đời của phương Đông. Ở Tagore tinh thần dấn thân hành động đã mang dấu ấn tư tưởng ở những nhà huyền học Tây phương, ở triết lý bằng tình yêu trộn lẫn tư tưởng – tín ngưỡng – niềm tin theo cách nói của riêng ông. Đúng như A. Schweitzer nhận xét: “Học thuyết do Tagore rao giảng theo đó tất cả thiên nhiên đều được kích hoạt bởi linh khí vũ trụ không còn là học thuyết trong Upanishad mà là học thuyết của một tư tưởng chịu ảnh hưởng của khoa học hiện đại”(14). Tâm thiền, qua trải nghiệm, để có “Cái ngày hoa sen nở”: “Hoa chính thuộc về mình – Và mùi hương tuyệt mĩ – Là giữa lòng tôi sinh”. Hoa sen là tượng trưng cho Ánh Đạo Vàng từ bi – dâng hiến – vĩnh hằng… qua mắt nhìn của Tagore đã mang màu sắc triết luận duy lý, dứt khoát lựa chọn trong hành động hiện hữu giữa lẽ xuất – xử, nhận – cho, còn – mất: “Hoa sen nở trong ánh mặt trời – Rồi mất đi những gì nó có – Nhưng chắc nó không muốn làm chiếc nụ – Trong sương mù vĩnh viễn của mùa đông”. Đó là Lá cỏ trên mọi  gương mặt người trong thơ Whitman, chấp nhận, cựa quậy, sinh sôi… Và ngược lại, không phải trong thơ Whitman không có những hoà điệu tình yêu sự sống đậm chất trữ tình mà êm ả vô thanh.

Thiên nhiên – Tình yêu sóng đôi muôn đời có sức hấp dẫn nhờ tính bí ẩn và huyền diệu của mình, qua khoảnh khắc nheo mắt cười của triết gia – tình nhân Tagore: “Sương mù và Tình yêu - Hai kẻ lãng du - Lang thang trên đồi - Tìm niềm vui bất chợt”.

3.2. Trong vũ trụ ấy, con người vẫn là thực thể kỳ diệu nhất. Từ phương Ty Whitman nhìn thấy con người trong thế giới mới - thế giới dân chủ vứt bỏ mọi giáo điều thần thánh: “Con người tôi trong cũng như ngoài rất đỗi thiêng liêng và tôi biến thành thiêng liêng bất luận cái gì tôi đụng tới hoặc chạm vào…”. Cảm hứng ngợi ca con người chiếm địa vị danh dự trong Lá cỏ. Tagore với quan điểm phiếm thần luận “từ bỏ hư vô ôm hôn thực tại” tạo nên những khúc giao hưởng của niềm vui ca ngợi con người. Lần đầu tiên trong văn học Mĩ một nhà thơ tự giới thiệu về mình: “Walt Whitman, một vũ trụ” – và con người đã được đại thi hào của dân tộc Ấn vinh danh “Con Người thần thánh”. Nghe như hồi âm của Veda -  “Trong tất cả mọi cái gì đang tồn tại, trong tất cả mọi cái gì sẽ tồn tại. Con Người đã, đang và sẽ là tối cao” - gặp gỡ tinh thần nhân văn Phục hưng. Whitman và Tagore khẳng định giá trị của con người không được tạo ra bởi một sắc tộc, đẳng cấp hay tôn giáo nào. Hai ông đứng về phía người nô lệ, người da đen, người cùng khổ với trái tim được soi sáng bởi tình yêu. Vì tất cả “những người này”, Whitman dệt “Bài hát chính tôi”, còn Tagore làm ca sĩ suốt đời cho họ: “Người thợ cày cầm cày không mỏi – Người thợ dệt thoăn thoắt đưa thoi… - Họ vẫn đổ mồ hôi sôi nước mắt – Để xây dựng Niết bàn trên đất nước cằn khô”. Ông xác định “Tôn giáo của chúng tôi chủ yếu là tôn giáo của con người”. Con người trong thơ hai ông giản dị - đời thường mà cao đẹp. Cả hai thi hào đều có niềm tin vô hạn vào con người. Whitman bộc trực đến xô bồ. Còn Tagore thâm trầm thánh thiện “Trong tình yêu, cái hữu hạn và cái vô hạn chỉ còn là một”. Lá cỏTôi ca ngợi bản thân, tôi tự hát – Và những gì tôi nhận cho tôi, anh sẽ nhận cho anh”. Ở Tagore, cái nhìn phương Đông mang màu sắc tâm linh suy tưởng hướng về hoà hợp thể xác – tâm hồn. Ở Whitman, cái nhìn phương Tây đậm tính thực, ca ngợi thân xác (mà nhiều người cho là “bản năng”): “Không một đốt tay, không một bộ phận nhỏ nào là xấu xa đê tiện… Tôi tiếp nhận tất cả mọi bộ phận và tất cả mọi thứ thuộc về tôi và thuộc về mọi người thân tình và sạch sẽ”. Trao hết lòng mình cho cỏ và mình là cỏ để được hồn nhiên hát một mình và hát giữa mọi người: “Tôi sẽ tới bờ suối ven rừng, cởi lốt trần truồng – Da thịt phát cuồng thèm không khí mơn man”. Whitman can đảm tự mình thừa nhận và phát triển giá trị bản thân ở hạnh phúc nguyên sơ – tự nó. Ca tụng thân xác là ca tụng một trong bốn thành phần – bên cạnh tình cảm, trí năng, tâm linh – hài hoà làm nên con người theo nghĩa viết hoa. Ca tụng thân xác thường gắn liền với tình yêu tính dụchoàn hảo, vượt qua cái hữu hạn. Đó là khát vọng tự nhiên thuộc tính người. Hoan lạc cũng là vị tha và xuyên thấm trong thơ Whitman như một dòng chảy mê say: “Khi tôi một mình lang thang trên bãi biển, tắm trần truồng, cười với làn nước mát và chiêm ngưỡng mặt trời lên”. Ý thức về mình mới tôn trọng mọi sinh vật hiện hữu. Ý thức về mình mới thường xuyên thanh lọc bản thân mình. Có một dòng chảy tự nhiên trong thiên nhiên và trong cuộc sống, Whitman hoà mình với dòng chảy ấy, bàng bạc suy lý, giản dị tự nhiên bộc lộ trong những khoảnh khắc say lòng. Thân xác là hiện hữu và gắn liền Thị Dục (appetitus), đưa thân xác lên vương quốc tinh thần bằng đôi cánh khát vọng, kiếm tìm những ham muốn cho giác quan, cảm xúc và lý trí(15).    ca ngợi cái Tôi, ca ngợi tất cả những gì rất đỗi bình thường của tôi và xung quanh tôi “ (eros) dễ bị hiểu lầm nên con người thường cố che đậy. Thật ra nó xuất hiện và tác động trong tâm hồn mỗi người. Con người tìm kiếm “một nửa” của mình để hướng đến khát vọng toàn vẹn,
Cái gì đã biết thì tôi lột bỏ ra
Tôi xô mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà về phía trước


      để cùng tôi hoá thân vào cõi bí huyền
Thực tế và tưởng tượng, biểu tượng và ảo giác trộn lẫn, như cách nói của Baudelaire: “Mênh mang như bóng đêm và như ánh sáng – Hương sắc, thanh âm đều tương ứng tương giao”.

Thơ Whitman xây dựng con người bắt đầu từ thân xác – thân xác mang ý thức – mà ngước nhìn vòm trời lồng lộng bằng đôi mắt tâm linh. Và điểm này, Whitman gặp gỡ Tagore. Trên tinh thầnNhất thể sáng tạo (Creative Unity), thơ Tagore cởi bỏ mọi ràng buộc giả tạo, trả con người về bản chất tự nhiên là tình yêu và ý thiện. Ý thức phương Đông “Thân thể làm sao chạm đến bông hoa – Chỉ có tinh thần mới chạm được” không ngăn những cảm xúc rạo rực vỗ cánh hoan ca: “Em mặc áo mới hôm nay – Và cả người em như cất lên tiếng hát”… Với minh triết phương Đông, thân và tâm là hai mặt của một thực tại con người, vượt qua mọi sự hoa mỹ  hình thức để trả về cái đẹp chân thật: “Em như thế nào thì cứ thế mà đến – Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”. Hai khoảng trời Đông – Tây, hai thời gian với hai thế giới tâm hồn, nhưng hành trình vận động của hai thi sĩ Mỹ – Ấn đều là nâng đỡ thân xác – vỗ cánh tâm hồn – thanh tẩy trần gian. Nhờ tâm linh làm nền tảng liên kết vô hình mà thể xác được nâng đỡ, cảm xúc được thanh lọc, tình thương được mở rộng vô hạn và trí năng không sai biệt… nhằm đến đỉnh cao tư tưởng và cái đẹp hài hoà giữa con người với vũ trụ như Whitman và Tagore đã “tiến hành một thể nghiệm tổng hợp làm say lòng người” làm chúng ta “mê hoặc”(16) và tự chứng nghiệm bằng cách sống ở mỗi con người:
Bạn cũng sẽ không nhìn bằng mắt tôi, không tiếp thu sự vật từ tôi


Bạn sẽ lắng nghe mọi phía, và sẽ lọc sự vật qua chính bạn
3.3. Thơ Dâng của Tagore đã thể hiện đậm nét triết lý hoà hợp thiên nhiên – con người. Hết thảy những gì bé nhỏ hoặc lớn lao đều tìm thấy ý nghĩa của mình trong thế giới này, được Tagore gửi gắm qua những đối thoại triết học như giữa giọt sương với mặt trời, hoa và lá… Whitman nhận thấy mình “đứng giữa loài nào cũng là đồng loại”, vì vậy ông đối thoại hồn nhiên với Cỏ, Biển cả, Đêm, Mặt đất… “Biển em ơi… - Hãy té lên ta làn nước yêu thương để ta có thể trả lại em như thế”.

Whitman và Tagore cùng khát khao tìm kiếm sự hoà hợp giữa con người với con người. Hoà hợp trở thành điệp khúc vang âm trên những nẻo đường thơ: “Ta mang trong tay tặng phẩm của sự hoà hợp”, “Tôi đã biến nỗi đau xót thành niềm vui – và đã mang đến dâng con người – làm tặng phẩm – và sau lúc cuối ngày – trong đêm hoà hợp…”. Với triết lý hoà hợp, cái tôi trong thơ Whitman vừa là cái tôi cá nhân, vừa là cái tôi tổng hợp, đại diện: “Tôi là của người già cũng như người trẻ – Tôi thuộc về mọi màu sắc và đẳng cấp, thuộc mọi giai tầng và tôn giáo”. Ở Whitman, “có một thứ chủ nghĩa cá nhân đầy cảm thông và tình thương yêu, nền tảng của sự hình thành nhân loại”, “thơ ông rõ ràng có tính chất vũ trụ, do đó cá nhân cũng được nâng lên hàng nhân loại”(17). Thơ Tagore là hành trình hoà hợp những mặt tưởng như nghịch lý đối lập thân xác – linh hồn, thiên đường – địa ngục, hạnh phúc – khổ đau, vô biên – hữu hạn, sống – chết… bằng tương quan Tình yêu. Tagore nhận chân cái vô biên bên trong hữu hạn con người mình, nên với ông cuộc sống hết sức thiêng liêng. Và cuộc đời ông là hiến dâng mình cho Bản ngã vô biên, thơ ông là thơ phụng sự dâng hiến. Tagore dứt khoát lựa chọn thái độ nhập thế và theo A. Scheweitzer, đấy là cả “một quá trình tiến hoá của tư tưởng từ bao thế kỷ cuối cùng đã tìm thấy điểm đến nơi ông”(18). Ông tuyên ngôn: “Tôi có thể hiến cả đời tôi – Cho lòng tin tưởng – Sự hoà hợp là có thực – Tình yêu là có thực”. Tình yêu là đa dạng. Nhất là trong lịch sử tư tưởng triết học – tôn giáo và văn học, nghệ thuật thi ca. Có một tình yêu tính dục (eros) – thực chất là khát vọng sản sinh ra cái đẹp và sức mạnh toàn vẹn tự nhiên – trong thơ Whitman. Có một tình yêu ban tặng (agape) – tình yêu mang tính ban cho, dâng hiến, đồng cảm – trong thơ Tagore. Tất cả đều trên nền tảng: tình yêu nhân đức(caritas) thuộc về tâm linh con người nên rất đỗi âu yếm, vị tha và tình yêu say mê mang khát vọng chiếm hữu, hoà hợp. Tình yêu là một đặc trưng căn bản của tồn tại người. “Tôi yêu, do vậy tôi tồn tại”. Triết lý bằng Tình yêu là dây tơ dệt nên tương quan giữa người với người, người với vũ trụ: “Cõi đời ơi  khi tôi đã chết rồi – Thì trong cõi vắng lặng của người – Chỉ một lời này còn lại – Tôi đã từng yêu”. Nó xuyên suốt và tạo nên sức hấp dẫn trong thơ hai thi hào. Nên thơ nói về bản thân mình mà tự nhiên không ngạo mạn, đem lại cho ta lòng khiêm tốn. Thừa nhận mình trên một hành trình đầy những sự pha trộn lạ thường, sức mạnh sinh ra từ bên trong cái tôi hữu hạn bằng tình thương và sự hàn gắn mà vượt lên chính mình, vươn lên ánh sáng vô biên. Tình yêu thương trong nghĩa cụ thể mà rộng nhất của từ này, như Lá cỏphơi phới sinh sôi trong vũ trụ, như Whitman từng tuyên bố:
Tôi sẽ viết bài thơ – Thánh kịch của người đồng chí
                                                               và tình yêu thương
Vì có ai ngoài tôi hiểu rõ tình yêu thương với tất cả


                                    những nỗi khổ đau và niềm vui của nó
Cả hai thi hào, nói như nhà thơ Anh Shelley: “Tôi là đôi mắt của vũ trụ. Nó dựa vào tôi để nhìn thấy mình, nhận ra sự thiêng liêng của mình”. Đó là kiểu nhà thơ hiện đại theo cách nói của Max Jacob: “Có một thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại”.

3.4. Vũ trụ hoà hợp được kiến tạo bởi tình yêu sẽ là một vũ trụ đầy ắp những vẹn toàn, hoàn hảo, “sự hoàn hảo có mặt ở khắp mọi nơi” (Tagore), “Tôi không kêu rên lời cả thế giới kêu rên – Rằng năm tháng là hư vô và trái đất toàn bùn lầy rác rưởi” (Whitman). Đó là vũ trụ của sự sống, đầy ắp những vẻ đẹp trần thế: “Dù đi tận nơi đâu – Quay trước quay sau, tôi vẫn là người vuốt ve sự sống”. Ở nơi ấy, nhà thơ là nhà thơ của Trái Đất, khúc nhạc đời là khúc Đại Hoà Âm, ở đó “chiếc lẵng của bài ca” sẽ trở nên trống rỗng khi “không còn dây nối – giữa đời với đời”, không còn những “đồng cảm, yêu thương”. Hai tâm hồn thơ giản dị mà vĩ đại ấy – nói như Sainte Beave là “Những con người đó được thấy những đêm sao sáng và trời quang mây – Họ hiểu được tiếng sóng, nghe đọc lời tinh tú – Họ biết tên các loài hoa, và đi với họ – Vũ trụ chỉ là một ý tưởng hiện ra nhiều biểu tượng khác nhau”. Và “Đối với nhà thơ, một luật hoà hợp duy nhất tất cả sự vật” (Saint – John Perse).

3.5. Trong một quan niệm minh triết, đầy lòng yêu thương sự sống, Whitman và Tagore đã lựa chọn chung một cách ứng xử với phạm trù đối lập: cái chết. Cái chết cũng là một sự sống, bởi vì với Whitman, cái chết là thiêng liêng, bất tử, xúc động lòng người: “Khi hoa Linh lan ngập ngừng nở trong sân”, và sự sống “là kế thừa của rất nhiều sự chết” – vì vậy mà được chào đón trong niềm thanh thản: “Tôi sẽ đặt trước mặt người – Cốc rượu tràn đầy của đời tôi – Tôi sẽ không bao giờ để người phải tay trắng ra đi”. Whitman và Tagore đều chọn biểu tượng “chiếc cốc tràn đầy” cho cuộc đời mình với một ý thức sâu sắc về cuộc sống. “Đó là cuộc sống vĩnh hằng. Đó là hạnh phúc” – sự hoà hợp trọn vẹn trong quy luật vĩnh hằng – vì ngọn cỏ xanh lại mọc từ nấm mồ kia.

4. Sức quyến rũ huyền hoặc trong thơ Whitman và Tagore là những vấn đề uyên thâm của triết học đã được thể hiện bằng những lời thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc. Trong thơ Whitman và Tagore, những biện pháp nhân hoá, ẩn dụ, tượng trưng… được sử dụng rộng rãi. Những hình ảnh lá cỏ, đất, biển, mặt trời, bóng đêm, cát bụi, ánh sáng… cụ thể, sinh động mà giàu hàm nghĩa đem lại cho thơ vẻ đẹp phong phú đậm chất mĩ cảm. Không ít lần những hình ảnh như đất, lá cỏ… trở thành tín hiệu thẩm mĩ chung, mang thông điệp của nhà thơ mà vẫn tươi rói, nguyên sơ sự sống.
Hình thức đối thoại đóng vai trò quan trọng trong thể hiện cảm xúc. Whitman và Tagore đều xưng tôi (I) trong cuộc đối thoại trực tiếp với em, anh, bạn, các bạn (you), mời gọi độc giả tham gia đối thoại với mình. Nhà thơ sử dụng những hô ngữ, trợ từ, thán từ – khi tâm tình, khi kêu gọi – dễ tìm thấy sự đồng cảm với bạn đọc – người đối thoại. Có những đối thoại triết học sâu sắc mang lại dáng dấp của những đối thoại tâm tình, thậm chí đối thoại tình yêu: “Bạn ơi xin đừng ngại – Hãy bước chân xuống mặt đất khô cằn – Chớ tìm mộng mơ trong bóng đêm mờ”. Như đoạn đối thoại của Whitman – và cả Tagore – với Đất:
Hãy mỉm cười đi, hỡi mặt đất đầy khoái lạc,
                                                  hơi thở dịu hiền êm mát
Đất trút cho ta tình yêu không tính đếm,
                                        cho nên ta cũng trao tình yêu cho đất
Ôi tình yêu say đắm không sao nói được nên lời
                                                                             (Whitman)
Đất của ta ơi
Hỡi bạn tình yêu quí của riêng ta
Anh sáng của ngươi không sao phát hiện được hết
                                                        những kho tàng quý báu
Chừng nào ta chưa thực sự say đắm yêu ngươi


                                                               (Tagore)
Hình thức thơ văn xuôi cũng góp phần đáng kể trong việc thể hiện triết lý – tư tưởng trong thơ Whitman và Tagore. Thơ văn xuôi của cả hai nhà thơ đều giàu hình ảnh mới lạ – ngụ ý, tượng trưng, pha trộn thực – ảo. Whitman là “một trong những nhà thơ lớn nhất đã tạo cảm hứng cho những hình thức mới của trữ tình hiện đại”(19), “Với Whitman và Lá cỏ, thi ca Mỹ và thi ca thế giới đã có một kiểu cách mới, một mẫu mực mới, có thể gọi là “lối thơ Whitman”(20). Lối thơ Whitman, hay là thơ tự do với nhịp điệu, nhạc điệu phong phú đã mở ra khả năng rộng lớn cho những cung bậc phức tạp, tế vi của ý tưởng. Thơ văn xuôi của Whitman – như con người ông – tự do, ngang tàng, bất cần, không vần chân, niêm luật, câu thơ dài… như cỏ. “Quả thật Whitman và Lá cỏ là một thác Niagara của văn học Mỹ. Kỳ vĩ, ào ạt và dữ dội”(21). Chính Emerson đã tiên tri đúng trong lời chào mừng Lá cỏ: “Tập thơ đặc biệt trí tuệ và thông minh của nước Mỹ đã ra đời”. Với kiểu thơ văn xuôi, Tagore đã “diễn đạt những tư tưởng và xúc cảm sâu xa nhất” và ảnh hưởng to lớn đến nền thơ ca Ấn về sau. Kiểu thơ văn xuôi mà cả hai thi hào “mở lối” và đạt đến bậc thầy hiện là một trong những hướng đi tìm cách xác định mới cho hoạt động thi ca, cho mối quan hệ giữa ngôn ngữ với thế giới, cho “tính hiện đại mang chất thơ”.

5. Điều kỳ diệu mà Tagore đạt được là sự tổng hợp toàn diện, hoà hợp những triết lý tinh tuý nhất của phương Đông và phương Tây, trong đó có ảnh hưởng quan trọng của Whitman. Với sự hội tụ đỉnh cao ấy, phương Đông và phương Tây không còn là khoảng cách diệu vợi – sự hội tụ dự báo một khuynh hướng mới của nhân loại – khuynh hướng giao lưu, hoà nhập trong một nền văn hoá chung.

Theo Nguyễn Văn Dân, “tư tưởng có thể được thể hiện theo nhiều hình thức đề tài khác nhau […], việc khái quát hoá các đề tài sẽ giúp ta thấy được những tư tưởng văn học có ý nghĩa rộng lớn hơn”(22). Vũ trụ và cá nhân là đề tài cơ bản, xuyên suốt thể hiện tầm cao tư tưởng Whitman và Tagore. Trong một thế giới bị chiến tranh tàn phá, hai ông thiết tha kiến tạo một vũ trụ hoà hợp, tương thân tương ái. Với cách đặt vấn đề xuất phát từ những khái niệm triết lý trừu tượng như vũ trụ – cá nhân, sự sống – cái chết… Whitman và Tagore lại là những “nhà thơ của sự sống”, “người tình của cuộc đời” với trái tim tươi trẻ, đầy say mê, và thế giới thơ nhà thơ mời gọi bước vào tràn ngập ánh sáng, hoa hương, rộn rã tình yêu cuộc sống.

Chịu ảnh hưởng của Whitman nhưng Tagore đã có những sàng lọc, sáng tạo của riêng ông. Whitman cuồng nhiệt – Tagore trầm lắng, Whitman thô tháp – Tagore tinh tế, Whitman dữ dội trong hiện thực – Tagore nghiêng về huyền ảo phương Đông kì mĩ… “Cần phải nghiên cứu Whitman vì tuy Whitman không phải là nhà thơ trang nhã nhất nhưng ông là nhà thơ dũng cảm nhất, thấu hiểu con người nhất, và hồn nhiên, tự phát nhất”(23). A. Gide ca ngợi: “Không một tư tưởng nào của thời đại chúng ta lại xứng đáng được kính trọng […] cho bằng tư tưởng của Tagore”. Sự gặp gỡ với Whitman – trước hết về mặt tư tưởng – là sự gặp gỡ của những đỉnh cao trí tuệ và những tư tưởng ấy cho đến nay vẫn có ý nghĩa hiện đại. Đó là kiểu nhà thơ của những ngả đường rộng mở…


Ths Lê Từ Hiển


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét