Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Tứ Thư Và Ngũ Kinh


Tứ Thư là bốn quyển sách kinh điển của văn học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn làm nền tảng cho triết học Trung Hoa và Khổng giáo. Chúng bao gồm:

1. Đại Học: Một chương trong Kinh Lễ
2.Trung Dung: Một chương khác trong Kinh Lễ
3.Luận Ngữ: Cuốn sách ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và do học trò của ông ghi chép lại.
4. Mạnh Tử: Sách ghi chép lại những cuộc đối thoại của Mạnh Tử và một số vị vua trong thời kỳ ông sống
Bốn bộ sách này được các học trò của Khổng Tử biên soạn sau khi ông mất.Thông thường người ta hay nói là: TỨ THƯ NGŨ KINH.
Tứ Thư và Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo, giống như Tam Tang Kinh của Phật giáo. Các sách này là kinh điển của Nho giáo và là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc.
Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu nhưng có thể nói một cách vắn tắt là : sự học chú trọng ở luân thường đạo lý , chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế nên không bàn đến những cái viễn vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế.
Tóm tắt nội dung:
ĐẠI HỌC:
Sách Đại Học dùng để dạy cho học trò từ 15 tuổi trở lên, khi bước vào bậc đại học , dạy cho biết cách cư xử ở đời để lớn lên ra gánh vác việc nước.
Theo các nho gia, sách Đại Học do Tăng Tử (Tăng Sâm) làm ra để diễn giải các lời nói của Khổng Tử. Nội dung gồm 2 phần:
* Phần đầu có một thiên gọi là Kinh , chép lại các lời nói của Khổng Tử
* Phần sau là giảng giải của Tăng Tử, gọi là Truyện gồm 9 thiên. Mục đích và tôn chỉ của sách này là nói về đạo quân tử , trước hết phải sửa cái đức của của mình cho sáng tỏ để mọi người noi theo, làm sao cho đến chỗ chí thiện. Muốn được vậy, phải sử dụng Bát điều mục (tám điều): cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Cái gốc của đạo quân tử là sự tu thân. Cho nên trong sách Đại Học có câu:"Tự nhiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn" (Nghĩa là: Từ vua cho đến thường dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc).
TRUNG DUNG:
Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử , thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo trung dung, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân. Sách Trung Dung chia làm hai phần:
* Phần 1: từ chương 1 đến chương 20 là phần chính gồm những lời của Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý trung dung - làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi.
* Phần 2: từ chương 21 đến chương 33 là phần phụ gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng ý nghĩa và giá trị của hai chữ trung dung.
Cả hai quyển sách Đại Học và Trung Dung trước đây là những thiên trong Kinh Lễ , sau các nho gia đời Tống tách riêng ra làm hai quyển để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư.
LUẬN NGỮ:
Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên và các thiên không có liên hệ với nhau.
Đọc sách này, người ta ta hiểu được phẩm chất tư cách và tính tình của Khổng Tử, nhất là về giáo dục. Ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ , từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng một câu hỏi mà ông trả lời cho mỗi người một cách. Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời Tống nói: 
"Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả , có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết."
Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ phải đọc chậm rãi , suy nghĩ tường tận , càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay.
Trình Y Xuyên lại nói: "Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy".
Tóm lại sách Luận Ngữ dạy đạo quân tử một cách thực tiễn , mô tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.
MẠNH TỬ
Sách Mạnh Tử là bộ sách làm ra bởi Mạnh Tử và các môn đệ của ông như: Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương....ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua chư hầu , giữa Mạnh Tử và các học trò cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết khác như: học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu.
Sách Mạnh Tử gồm 7 thiên , chia làm 2 phần : Tâm học và Chính trị học.
* Tâm Học:
Mạnh Tử cho rằng mỗi người đều có tính thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy tính thiện đó làm cơ bản , giữ cho nó không mờ tối , trau dồi nó để phát triển thành người lương thiện. Tâm là cái thần minh của Trời ban cho người. Như vậy, tâm của Ta với tâm của Trời đều cùng một thể. Học là để giữ cái Tâm , nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh 
Nhân và nghĩa vốn có sẵn trong lương tâm của người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối , thành ra bỏ mất nhân nghĩa. Mạnh Tử đề cập đến khí Hạo nhiên , cho rằng đó là cái tinh thần của người đã hợp nhất với Trời.
Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quý.
*Chính Trị Học: 
Mạnh Tử chủ trương : Dân vi quý , xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là một tư tưởng rất mới và rất táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế đang thịnh hành.
Mạnh Tử nhìn nhận chế độ quân chủ , nhưng vua không có quyền lấy dân làm của riêng cho mình. Phải duy tân và vì dân. Muốn vậy, phải có luật pháp công bằng , dẫu vua quan cũng không được vượt ra ngoài pháp luật đó. Người trị dân, trị nước phải chăm lo việc dân việc nước , làm cho đời sống của dân được sung túc , phải lo giáo dục dân để hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy nhân nghĩa làm cơ bản để thi hành.
Chủ trương về chính trị của Mạnh Tử thật vô cùng mới mẻ và táo bạo nhưng rất hợp lý , làm cho những người chủ trương quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Có thể đây là lý thuyết khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau này. 
Tóm lại , bộ sách mạnh Tử rất có giá trị. Phần Tâm học trong sách là đỉnh cao nhất trong học thuyết Nho giáo.
Trình Y Xuyên nói: "Kẻ đi học nên lấy hai quyển sách : Luận Ngữ và Mạnh Tử làm cốt. Đã học được hai bộ sách này rồi thì không cần học Ngũ Kinh cũng rõ thông được cái đạo của Thánh Hiền"
NGŨ KINH: là 5 quyển kinh điển torng văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo. Theo truyền thuyết, 5 quyển này đều được Khổng Tử soạn thảo hay hiệu đính. Sách kinh điển gồm hai bộ: Ngũ Kinh và Tứ Thư. Năm quyển Ngũ Kinh gồm có:
1.Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng và trong sáng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai "học Kinh Thi chưa?"., người con trai trả lời "chưa". Khổng Tử nói "Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao" (sách Luận ngữ)
2.Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết , biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn, chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ....
3.Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói : "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận Ngữ)
4.Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái....Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thóan từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thóan truyện và Hào truyện.
5.Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ , quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.
Ông nói: "Thiên hạ biết đến ta bởi Kinh Xuân Thu, thiên hạ trách ta cũng sẽ ở Kinh Xuân Thu này". Đây là cuốn kinh Khổng Tử tâm đắc nhất , xuân thu có nghĩa là mà xuân và mùa thu, ý nói những sự việc xảy ra.
Kinh Nhạc: do Khổng Tử hiệu đính nhưng về sau bi thất lạc, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên trong Kinh Lễ gọi là Nhạc Ký. Như vậy Lục Kinh chỉ còn có NGŨ KINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét